Thời gian qua, người dân xã Hưng Nhân và xã An Hòa (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) vô cùng bức xúc trước việc một số đối tượng đổ chất thải độc hại (dầu thải và phenol, loại chất hữu cơ có khả năng gây bỏng) ra mương nước nội đồng ven QL 10 thuộc xã Hưng Nhân.
Hành vi vi phạm của các đối tượng khi đổ chất thải độc hại ra môi trường đã khiến một người dân phải nhập viện do hai chân bị bỏng, thâm đen, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân lo lắng nguồn nước sông ngòi bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hành vi của các đối tượng cũng khiến ngân sách TP Hải Phòng phải chi khoảng hơn 6 tỷ để thuê đơn vị về thu gom, xử lý chất thải với khối lượng 350 m3 chất thải và 600 m3 nước nhiễm chất thải nguy hại.
|
Chất thải độc hại được các đối tượng đổ ra mương nước. |
Công an huyện Vĩnh Bảo và Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hải Phòng đã xác minh và phát hiện đêm 19/5 có 2 xe tải gắn téc nghi là đã đổ chất thải độc hại ra cánh đồng thôn Kê Sơn, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo. Hai chiếc xe tải trên gồm 1 xe màu trắng mang biển số 16M - 2769 do Vũ Văn Biện (34 tuổi) điều khiển, và 1 xe màu xanh mang biển số 17L - 0443 do Phạm Việt Dũng (37 tuổi) điều khiển. Cả hai người đều ngụ thôn An Lộc, xã Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Hiện các đơn vị trên vẫn đang phối hợp xác minh đối tượng đổ trộm chất thải độc hại trên.
Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc trên, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, hành vi của các đối tượng đã vi phạm Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội gây ô nhiễm môi trường và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
“Luật bảo vệ môi trường năm 2014 nghiêm cấm các hành vi như: Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường; Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí; Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật; Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường”, Luật sư Bình cho biết.
|
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Luật sư Diệp Năng Binh cho hay, qua thông tin phản ánh trên báo, có thể thấy bước đầu Cơ quan Công an đã tiến hành điều tra vụ việc vào đêm 19/5 có 2 xe tải gắn téc nghi là đã đổ chất thải độc hại ra cánh đồng thôn Kê Sơn (xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo). Đây có thể là manh mối tìm ra các cá nhân, đơn vị đổ chất thải độc hại ra mương nước xã Hưng Nhân trước đó.
“Việc các đối tượng đổ chất thải nguy hại khiến một người phụ nữ lội qua mương nước phải nhập viện trong tình trạng hai chân bỏng nặng. Đồng thời, để xử lý toàn bộ chất thải độc hại trên thì phải cần hết khoảng 6,5 tỷ đồng. Hành vi trên của các đối tượng đã vi phạm pháp luật cần phải xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Bình cho biết.
Luật sư Bình cho biết, về xử phạt hành chính với hành vi vi phạm trên được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
“Thời gian qua, có thể nói Nghị định này đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp và người dân. Đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường , khung và mức phạt cao có thể lên đến 2 tỷ đồng. Hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả khác”, Luật sư Bình cho hay.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, qua quá trình thu thập chứng cứ, giám định nếu thấy vụ việc vi phạm hình sự phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án.
Tùy theo khối lượng đổ chất thải đổ ra môi trường mà không cần phải xảy ra hậu quả mà người phạm tội, pháp nhân thương mại có thể bị truy tố tương ứng với mỗi khung hình phạt khác nhau tương ứng với Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 Tội gây ô nhiễm môi trường.
“Theo Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hải Phòng, số chất thải bị đổ trộm ở xã Hưng Nhân là dầu thải và phenol, loại chất hữu cơ có khả năng gây bỏng như vậy loại chất thải này rất gây nguy hại cho sức khỏe con người và người đổ thải thừa biết hậu quả của mình gây nguy hại nhưng vẫn để mặt cho hậu quả xảy ra do đó người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự”, Luật sư Bình cho biết.
Qua vụ việc trên, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, thực trạng môi trường ở nước ta cũng như trên thế giới đang bị ô nhiễm mà nguyên nhân chủ yếu là do con người gây ra như: thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép; thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác; chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép; sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác.
Do đó, luật sư Diệp Năng Bình đề nghị các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay xử lý các loại hành vi và tội phạm này để không gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.