Tôi rất ấn tượng khi đọc bài “Họp hành qua loa, nhậu nhẹt tưng bừng”. Tôi đồng tình với các ý kiến trong bài viết và cũng xin được có thêm vài điều chia sẻ.
|
Ảnh minh họa. |
Đã là cán bộ, công chức, viên chức, chắc không ai lạ lẫm gì khi cơ quan có cuộc họp, bất kể là họp gì từ tổng kết năm đến hội nghị chuyên đề, đại hội... và nhất là lại có lãnh đạo cấp trên đến dự thì ở hội trường loa râm ran, còn ở nhà bếp lợn kêu eng éc, người ra vào còn nhộn nhịp hơn cả hội nghị. Đấy là cơ quan có trụ sở ở nông thôn, miền núi còn ở thành thị thì cùng với chuẩn bị chương trình nghị sự là đặt ăn ở địa điểm nào, thực đơn ra sao (thậm chí lãnh đạo còn phải duyệt), mấy giờ ăn...
Có lẽ đó cũng là một cách thể hiện sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo với anh em cán bộ công nhân viên cơ quan, đã lo họp là phải lo... ăn đầy đủ và đặc biệt là sự hiếu khách, nhất là khi khách lại là lãnh đạo cấp trên hoặc đại biểu cơ quan bạn, các ban ngành, chính quyền địa phương cùng tham dự.
Nhưng điều cần nói là cái cách mời uống rượu, bia, đã nâng chén mời là buộc phải cạn hết 100%. Ban đầu là mời cả mâm, rồi riêng từng người, sau đó xách chén đến mời các bàn khác... làm không khí phòng nhậu luôn náo nhiệt, nhộn nhịp người đi đi lại lại.
Hôm gặp anh bạn làm giám đốc lâm trường, anh phấn khởi báo tin đã được nghỉ chế độ hưu trí, nếu không thì căn bệnh mỡ máu, đường máu, men gan, gút... không thể điều trị thuốc men vì hầu như ngày nào cũng tiếp khách mà tiếp khách là phải có rượu. Cán bộ kiểm lâm, thuế, bảo hiểm, công an, lãnh đạo xã, huyện... đến làm việc là... “chào buổi sáng” rồi cơm trưa, cơm tối mà không thể không có rượu và hầu như cứ triền miên như thế.
Những chi phí ăn uống tiếp khách, hội nghị... đương nhiên là hạch toán vào giá thành nếu là doanh nghiệp, còn cơ quan thì cứ hồn nhiên mà chi vào ngân sách và sẽ phải biến tấu, phải lẩn vào những nội dung chi khác cho phù hợp. Đó là những khoản chi không thực mà nếu cơ quan quản lý chức năng không có biện pháp khắc phục sẽ có nguy cơ không kiểm soát chính xác được những khoản chi phí này.