Như đã đưa tin trước đó, cháu Phạm Thị Nhung 10 tuổi ở Hà Tĩnh đã chết đói và chết đuối trên đường đi học về.
Khi tìm vớt được thi thể Nhung, ai cũng rơi nước mắt khi bộ quần áo ướt sũng trên người em cũ rách. Mọi người về nhà tìm quần áo thay cho Nhung mà không có bộ nào còn lành nguyên. Ba đứa em của Nhung cũng đang đói lả.
Xóm giềng đến giúp làm đám tang cho em thấy gia đình không còn gạo nấu cơm cúng, bát đũa cũng không đủ bộ sáu cái. Thầy, cô giáo và người dân đã mua bộ quần áo mới và đồ để quàn cho Nhung.
|
Gia đình anh Vân với đàn con nheo nhóc. |
Không chỉ nỗi mất mát người thân, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn, gia đình anh Vân vẫn bị đưa ra khỏi diện nghèo để làm đẹp bảng thành tích của địa phương.
Cuộc sống đang trở thành một bi kịch với họ khi không còn nhận được bất kì một sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương trong suốt nhiều năm qua.
Trong căn nhà nhỏ, những chiếc bao dán những kẻ hở trên cánh cửa, chiếc xe đạp là thứ có giá trị nhất trong nhà anh Vân, cũng là kỷ vật gắn bó cuối cùng của Nhung.
|
Căn nhà với những vật dụng đơn sơ. |
Bữa cơm nấu vội, người mẹ của 3 đứa trẻ vét những hạt gạo cuối cùng. Bữa ăn chỉ với rau và nước mắm nhưng ba đứa trẻ ăn uống rất ngon miệng. Có lẽ, đủ cơm ăn mỗi bữa đã là niềm vui đối với chúng. Ba đứa em của Nhung sẽ tiếp tục lớn lên trong đói khát giống như người chị của chúng.
Trên kênh truyền hình VTC24, chị Nguyễn Thị Huyên (xóm 7, xã Đức Bồng, Vũ Quang, Hà Tĩnh) chia sẻ về cháu Nhung: “Cháu đi học hầu như đói là thường xuyên. Các cô còn đưa đi cấp cứu. Các cô cũng quyên góp với nhau. Một buổi sáng mỗi cô là một ngàn đồng, bữa mua cho cháu hộp sữa. Bữa mua cho cháu cái bánh mỳ”.
|
Bữa cơm chỉ có rau và nước mắm nhưng 3 đứa trẻ đều ăn ngon lành. |
Theo nguồn tin này, gia đình anh Vân được chính quyền địa phương hỗ trợ khoảng 8 triệu đồng để xây dựng căn nhà bằng gạch hiện tại. Và “nhờ” có căn nhà này, gia đình anh chị đã được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Tuy nhiên, chỉ với căn nhà ấy, cuộc sống gia đình anh Vân không có gì thay đổi, vợ ốm, 4 đứa con nheo nhóc. Nguồn thu chủ yếu là vài ba chục bạc làm thuê mỗi ngày của anh Vân.
|
Mẹ cháu Nhung vét những hạt gạo cuối cùng cho bữa ăn. |
Anh Lê Quốc Châu (Giáo viên trường THPT Cù Huy Cận, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Mỗi tháng, các em thuộc hộ nghèo được 70 nghìn đồng. 9 tháng đi học các cháu được 630 nghìn đồng. Thứ hai, đối với gia đình anh Vân với 3 đứa trẻ, trong hoàn cảnh khó khăn như thế thì sự hỗ trợ trên là rất cần thiết”.
Chị Kim Thanh (mẹ cháu Nhung) cho biết: “Gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo từ năm 2008 đến giờ. Không được hỗ trợ gì cả. Ruộng chỉ có 1 sào ăn cả năm”.
Ở vùng quê hẻo lánh này, có không ít trường hợp như gia đình anh Vân. Sống trong căn nhà, chỉ cần xô nhẹ là đổ, ngày ngày phải chạy ăn từng bữa, nhưng chị Thanh cũng không hiểu sao gia đình mình lại bị đẩy ra khỏi danh sách hộ nghèo.
|
Bữa cơm nhà nghèo chỉ với rau và nước mắm. |
Cũng theo thông tin từ VTC24, ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch UBND xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh nói về gia đình anh Vân: “Nghèo thì có, chứ còn đói thì không. Còn để đánh giá cháu Nhung do ảnh hưởng cái đói, ảnh hưởng từ cái sự lận đận, sa sút rồi ảnh hưởng đến cái chết của cháu là không phải”.
Nhìn cảnh sống nheo nhóc của gia đình anh Vân, khó có thể tin lý do trên là thật. Và sau lũy tre làng, những chỉ tiêu giảm hộ nghèo, xóa nhà tạm sẽ góp phần đưa mảnh đất này thành vùng nông thôn mới theo những chỉ tiêu mới đã đề ra. Nhưng những cảnh sống lầm lũi, lay lắt của những kiếp người thì vẫn còn đó như một sự ám ảnh.