Mất nước đến bao giờ?

Google News

(Kiến Thức) - Đường ống nước sông Đà lại vỡ, đẩy hàng ngàn hộ dân Hà Nội vào cảnh khốn khổ vì mất nước. Lần này qua lần khác, doanh nghiệp lặng thinh.

Đường ống nước sông Đà lại tiếp tục vỡ. 
Đại diện Công ty nước sạch Vinaconex cho biết, khoảng 10h ngày 10/7, đường ống nước tại km 25 (gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long), huyện Thạch Thất, Hà Nội gặp sự cố. Đây là lần thứ 8 đường ống nước sông Đà gặp sự cố kể từ tháng 12/2012, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai...
Theo đánh giá sơ bộ ban đầu của các chuyên gia, nguyên nhân đường ống sống Đà vỡ liên tiếp là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về thành phố. Nguyên nhân này đã nói rất nhiều, rất lâu, nhưng đến nay vẫn cứ lặp lại như một điệp khúc. Người dân sẽ còn mất nước đến bao giờ? Ai là người chịu trách nhiệm về những bức xúc chưa thể có lời giải của người dân. 
TS Vũ Minh Thành, Viện Khoa học Thủy lợi cho rằng, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng rõ ràng đang có vấn đề. Đây không phải là lần đầu tiên đường ống bị vỡ, cũng không phải là không tìm ra nguyên nhân, nhưng vì sao lại để doanh nghiệp vẫn cứ lặng thinh với câu nói muôn thuở "đang khắc phục".
Theo TS Vũ Minh Thành, chưa nói đến công nghệ, chất liệu đường ống, quản lý thất thoát, chất lượng nước, chỉ cần bàn đến vai trò quản lý của các cơ quan chức năng đã thấy có vấn đề. Kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đang diễn ra, người ta cũng đặt nhiều câu hỏi về cách quản lý, cũng đưa ra những giải pháp. 
Nhưng trong khi những bàn luận vẫn chỉ là các ý kiến đóng góp thì hàng nghìn hộ dân đang khốn đốn vì sinh hoạt bị xáo trộn do mất nước. Và đến nay cũng chưa ai bị xử lý trách nhiệm vì để xảy ra sơ suất trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công đường ống nước, không xử lý gia cố nền đất yếu khi lắp đặt... Vì sao lại khó đến vậy?
Chỉ một đường ống nước, nhưng là cuộc sống của hàng nghìn người. Và cũng chỉ một chiếc đường ống đã cho thấy năng lực quản lý.
Hà Bình

Bình luận(1)

Minh Hiền

Văn Khanh

Đọc bài mất nước đến bao giờ tôi thấy tác giả trích dẫn nguyên nhân vỡ đường ống nước: "Theo đánh giá sơ bộ ban đầu của các chuyên gia, nguyên nhân đường ống sống Đà vỡ liên tiếp là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về thành phố" là không đúng. Là người có một số năm làm việc liên quan đến vật liệu composite cốt sợi thủy tinh (hay còn gọi là vật liệu Deraken) tôi thấy báo cáo của thanh tra Bộ Xây dựng về cơ bản đã đánh giá đúng các nguyên nhân. Chỉ có một nguyên nhân là do va đập ống trong quá trình vận chuyển, thi công làm giảm độ kết dính giữa các lớp của ống là không phù hợp. Nếu ống được chế tạo đúng quy phạm thì có va đập thế nào cũng không thể xảy ra việc bong, tách lớp đc vì khi đó toàn bộ thành ống đã được kết dính thành một khối. Khả năng bong troc, tách lớp chỉ xảy ra khi ống được chế tạo không đúng quy trình. Từ những nhận định đó, theo tôi chỉ có 2 nguyên nhân dẫn đến việc vỡ đường ống nước Sông Đà: 1. Nếu vỡ trên thân ống thì do chất lượng ống không đảm bảo 2. Nếu vỡ ở điểm nối các đoạn ống là do thiết kế/thi công không đúng. Liên quan đến đường ống số 2 để dẫn nước từ Sông Đà về Hà Nội, theo tôi cần phân biệt rõ mục tiêu. Nếu đầu tư thêm tuyến ống số 2 để tăng thêm nguồn cung 300.000 m3/ngày thì tuyến số 1 vẫn tiếp tục vỡ; Nếu đầu tư tuyến số 2 để 1 tuyến chạy 1 tuyến dự phòng thì không nên làm vì tuyến dự phòng sẽ không có áp suất bên trong để cân bằng áp suất bên ngoài rất dễ xảy ra vỡ ống. Về vật liệu cho tuyến ống số 2, những năm gần đây thế giới đã dùng ống HDPE thay thế ống composite cốt sợi thủy tinh vì dễ thi công, khả năng chịu được áp suất cao (nếu ống nhập khẩu vì thực tế ống HDPE nội tôi đã chứng kiến khi thử áp suất tuyến ống trước khi đưa vào sử dụng đã bị nổ ống mặc dù áp suất chưa đến áp suất định mức). Vài lời góp ý nhân đọc bài đăng trên báo Kiến thức