Từ ngày đưa vào vận hành tới nay, đường ống nước sông Đà đã vỡ tổng cộng 7 lần. Lần gần đây nhất xảy ra vào 21h đêm 17/6 tại km25 Đại lộ Thăng Long thuộc khu vực cầu vượt Đồng Trúc (đoạn qua huyện Thạch Thất - Hà Nội), gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở Thủ đô.
Để xác định nguyên nhân sự cố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng chủ trì, phối hợp Viện Vật liệu xây dựng thực hiện công tác kiểm định xác định nguyên nhân sự cố. Và mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố nguyên nhân đường ống nước sông Đà liên tục vỡ.
Theo đó, nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước Sông Đà được xác định do chất lượng của ống không đồng đều.
Tại một số vị trí ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp, một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống theo tiêu chuẩn áp dụng.
Ngoài ra, do hạn chế về kinh nghiệm trong thiết kế, gia công chế tạo, thi công đường ống dẫn nước sạch bằng composite cốt sợi thủy tinh ở Việt Nam. Ống composite cốt sợi thủy tinh này do Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex – Viglafico (thuộc Tổng Công ty Vinaconex) sản xuất.
Như vậy, mặc dù Bộ Xây dựng đã công bố nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà nhiều lần khá đầy đủ, song vẫn không thấy nêu ra các giải pháp khắc phục như thế nào, liệu có nên sử dụng đường ống dẫn nước bằng chất liệu composite cốt sợi thủy tinh hay không…
|
Việc lựa chọn chất liệu để triển khai xây dựng tuyến đường ống số 2 cũng phải tính toán kỹ lưỡng. |
Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây Dựng, cho rằng: "Về các giải pháp xử lý sự cố đường ống hiện tại, tôi nghĩ các đơn vị liên quan cần kiểm soát áp lực và lưu lượng nước của toàn tuyến, thiết lập hệ thống đấu nối đồng bộ với các nguồn cấp nước khác để giảm việc mất nước cục bộ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần phải nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng tuyến ống cấp nước sạch giai đoạn II trong thời gian sớm nhất.
Việc lựa chọn chất liệu để triển khai xây dựng tuyến đường ống số 2 cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Trường hợp sử dụng đường ống composite cốt sợi thủy tinh thì các công ty sản xuất phải thực hiện các thí nghiệm minh chứng cho việc đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất ống, đặc biệt là độ bền lâu của ống composite nhằm duy trì hoạt động ổn định trong thời gian vận hành khai thác sử dụng (50 năm).
Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu chặt chẽ kỹ thuật về việc sử dụng có điều kiện đối với ống composite cốt sợi thủy tinh để truyền tải nước, làm cơ sở để các nhà đầu tư biết và lựa chọn. Có như thế thì các sự cố về vỡ đường ống mới không còn xảy ra nữa".
Trước đó, trong thông báo của Bộ Xây dựng liên quan đến vấn đề vỡ đường ống nước sông Đà, có nói Vinaconex “chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”. Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Vinaconex, mỗi lần sửa chữa khắc phục đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ, tốn kém tùy vào từng trường hợp cụ thể. Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng số tiền sửa chữa mỗi lần ít nhất cũng hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 xảy ra sự cố, đường ống tiếp tục ngốn thêm đến cả chục tỷ đồng.
Bức xúc trước vấn đề này, ông Hùng nói: “Vậy là sau khi để đường ống dẫn nước sạch sông Đà vỡ 7 lần, một công trình có giá trị 1.500 tỷ đồng mà sau khi đi vào sử dụng được 6 năm đã phải đổ vào cả chục tỷ đồng để sửa chữa, thì trách nhiệm của chủ đầu tư chỉ gói gọn trong mấy chữ “chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng” là quá nhẹ. Tôi nghĩ vấn đề trách nhiệm cụ thể của Vinaconex trong vụ này như thế nào, Bộ Xây dựng cần chỉ rõ ràng hơn”.
Về việc có nên dùng chất liệu composite cốt sợi thủy tinh để làm đường ống dẫn nước cho giai đoạn 2 hay không, dùng chất liệu này có ưu điểm và hạn chế gì, ông Trịnh Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Vật liệu hữu cơ và hóa phẩm xây dựng thuộc Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã có tiêu chuẩn liên quan đến ống composite cốt sợi thủy tinh cho cấp nước uống và thoát nước thải. Ở Việt Nam cũng đã có tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến ống composite dùng để cấp nước khi có áp lực và không có áp lực.
“Bản thân các nước khác trên thế giới cũng sử dụng loại ống này bởi ống có độ chịu lực tốt, nhưng lỗi do quá trình thi công lắp đặt, tại dự án nhà máy nước sông Đà không có phần đế bê tông đỡ mà chỉ đầm cốt nền đường rồi đặt ống lên. Theo chủ quan của tôi, do cốt nền đường bị mưa, ngấm xuống khiến nền lún phía dưới làm cho ống dẫn nước bị cong, võng xuống. Hơn nữa, độ biến dạng, khả năng uốn cong của loại ống composite rất thấp, ống này bản chất là cứng và giòn.
Tuy nhiên, bản thân loại ống do Vinaconex sản xuất chưa được Viện vật liệu kiểm tra, đánh giá nên chưa xác định được độ bền của loại ống này có đạt tiêu chuẩn so với tiêu chuẩn của Việt Nam và nước ngoài ban hành hay không. Composite ống cốt sợi thủy tinh khi đã đóng rắn, vật liệu trơ hoàn toàn với môi trường nước.
Nếu nói đến có chất làm ô nhiễm nguồn nước là có, nhưng quá nhỏ, không đáng kể nên không ảnh hưởng chất chất lượng nguồn nước cũng như không ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nước”, ông Đạt phân tích thêm.