Nhìn cái cảnh nông dân Đà Lạt phải đổ bỏ cả trăm tấn hành tây vì không bán được, thật đau lòng. Những củ hành tây đẹp như những búp hoa thế kia mà bị đổ vào hố để làm phân thì không đau lòng sao được.
Bao mồ hôi, công sức, tiền bạc và bao hy vọng vào một vụ mùa, thế là mất trắng. Đến bao giờ người nông dân mới hết khổ, mới hết cảnh được mùa mà chẳng thể vui vì rớt giá, vì nông sản chẳng bán được như thế? Đến bao giờ mới hết cảnh loay hoay tự xoay xở?
Và tại sao rau củ quả trong nước phải đổ bỏ như thế mà rau quả nhập từ Trung Quốc vẫn tràn vào được? Dân Hà Nội vẫn phải ăn khoai tây, hành tây, bắp cải, cà rốt và cả chanh của Trung Quốc? Mà lại còn vừa ăn vừa lo vì không biết rau quả đó được phun những chất bảo vệ thực vật gì.
Sự việc này lại khiến tôi nhớ tới một điều phi lý nữa trong sản xuất kinh doanh của ta. Có lần tôi đã phỏng vấn một ông chủ doanh nghiệp sản xuất tăm tre ở Hà Nội. Cơ sở của ông trước làm ăn rất tốt, hàng còn xuất đi nước ngoài, nhân công có tới hơn trăm người. Được một thời gian, nguyên liệu thì bị người Trung Quốc thu mua với giá cao, tăm lại nhập về với giá rẻ, ông bảo rẻ tới mức không thể hiểu được sao họ lại có thể làm được với giá đó. Thế là không thể cạnh tranh được, phải thu hẹp sản xuất, giờ doanh nghiệp của ông chỉ còn hơn chục người, tồn tại lay lắt.
Qua câu chuyện này mới thấy, nông dân và cả những người sản xuất kinh doanh của ta chưa được ai bảo vệ nên cứ luôn chịu thiệt thòi, luôn bị ép như thế. Cứ bảo kinh tế thị trường, hội nhập... nên hàng hóa của họ rẻ hơn thì tràn vào.
Nhưng tại sao trong khi hàng nông sản của ta vào được thị trường của họ phải qua bao nhiêu hàng rào kiểm tra, bao nhiêu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực vật... còn hàng nhập vào ta thì quá dễ dàng như vậy, hàng quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng, tồn dư chất độc hại... vẫn vào được? Không chính ngạch thì tiểu ngạch, không chính thức thì nhập lậu... Phải chăng chính chúng ta không những chưa biết cách bảo vệ mình mà còn đang tự làm hại chính mình.