Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN và 6 đồng phạm trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thất thoát 800 tỷ đồng trong thương vụ góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã kết thúc với phần tuyên án nhưng vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Đáng chú ý tại phiên tòa này, ông Đinh La Thăng bị tuyên án 18 năm tù vì tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tòa buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền 800 tỷ đồng cho PVN, trong đó tuyên bị cáo Thăng buộc phải bồi thường 600 tỷ.
Trước khi tuyên án, HĐXX đã bác các luận cứ của luật sư bào chữa cũng như nội dung tự bào chữa của các bị cáo. Đồng thời, khẳng định, cáo trạng của Viện KSND Tối cao truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, quá trình xét xử tại tòa cũng đã làm rõ hành vi vi phạm của các bị cáo.
|
Bị cáo Đinh La Thăng nghe tòa tuyên án. Nguồn ảnh: Zing |
Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV của PVN, là người có chức vụ, quyền hạn cao nhất ở PVN có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN. Bị cáo là người quyết định chủ trương, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank.
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo không thực sự ăn năn, hối cải mà còn có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội, né tránh trách nhiệm và hậu quả gây ra. Bản thân bị cáo trong thời gian này cũng có hành vi phạm tội và đã bị xét xử. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thành khẩn nhận lỗi về các hành vi phạm tội.
Mức án 18 năm tù trong vụ án này tiếp tục là cái kết đắng cho những hành vi sai phạm của ông Đinh La Thăng. Trước đó, trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Đinh La Thăng cũng phải nhận mức án 13 năm tù.
Từng được biết đến khi tạo dấu ấn ở tất cả các ngành, các vị trí công việc đã trải qua từ Tổng Công ty Sông Đà rồi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Bộ GTVT và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay ông Thăng đang phải đối mặt với một kết cục bi đát – quãng thời gian trong tù đằng đẵng không biết ngày nào ra. Nhưng đó là cái giá mà ông Đinh La Thăng phải trả cho những sai lầm đã mắc phải trong giai đoạn làm lãnh đạo tại PVN.
Việc đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh đối với các bị cáo thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về kinh tế, chức vụ, tội phạm tham nhũng, thể hiện rõ pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, việc kết án ông Đinh La Thăng trong hai vụ án trên đã chứng tỏ tính nghiêm minh của pháp luật. Những bản án mà ông Thăng phải nhận có sức răn đe với những ai lợi dụng chức quyền cố ý làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước. Đồng thời là bài học cho nhiều cán bộ đang đương chức khác.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi trao đổi với PV Kiến Thức đã nói rằng: “Người xưa từng bảo “vô phúc đáo tụng đình”. Đây không hẳn là “đáo tụng đình” mà bị đưa ra tòa xét xử, tuyên án, trở thành tội phạm của cả xã hội. Đó là một điều hết sức đáng tiếc, một vết nhơ trong cuộc đời không chỉ dành cho bản thân các bị cáo, mà cho cả những người thân, cơ quan, tổ chức, đoàn thể... Các bị cáo đều là cán bộ nhà nước, nên đây còn là vết nhơ cho nhà nước và công tác cán bộ.
Qua đó cũng để lại nhiều bài học lớn không chỉ cho những người làm trái chính sách của Đảng và Nhà nước, có hành vi tham nhũng, lãng phí mà còn cả các bài học cho các cán bộ sau này khi bắt đầu được tuyển vào cơ quan nhà nước hoặc bắt đầu làm chính trị đều phải học cách làm thế nào để giữ gìn bản thân, trở thành người có lương tâm trong sạch, không bị vướng vào các hành vi vi phạm pháp luật cũng như phạm tội.