Khó trả món nợ ân tình
Nguyễn Văn Sơn - tiếp viên trên tàu SE 6 kể, công việc của tiếp viên trên tàu không căng thẳng nhưng cũng không rỗi rảnh. Lúc nào cũng có việc để làm. Cũng nhờ vậy mà vơi bớt đi những khoảng thời gian trống trải.
Sơn trải lòng, trong suốt 4 ngày trên tàu, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài mà chung quanh chỉ là những hành khách - đối tượng mình phục vụ - điều sợ nhất của tiếp viên là nhận được những hung tin từ gia đình. Những lúc như thế đó, phải tìm cách rời tàu rồi chọn một phương tiện nào nhanh nhất để về nhà. Công việc trên tàu, anh em ở lại sẽ đảm đương.
|
Nguyễn Văn Sơn - tiếp viên trên tàu SE 6 soát vé khách lên tàu. |
"Hoàn cảnh riêng của Sơn thì sao?", chúng tôi nêu câu hỏi. Sơn trả lời một cách chậm và buồn. "Cháu lấy vợ năm 2010 đến 2011 thì sinh con đầu lòng. Đến năm 2013 sinh bé thứ hai, được 3 tháng phát hiện bé bị bệnh tim với chứng hẹp ống động mạch chủ và tâm thất ngược, phải 2 lần phẫu thuật mới có thể cứu được bé.
Lương của cháu - Sơn cho biết - chỉ được 1,5 triệu/chuyến (4 ngày). Một tháng cháu chỉ làm được 4 chuyến nên rất khó khăn trong việc điều trị bệnh cho con. Vợ cháu vì vướng bận 2 đứa con nên không đi làm được. Tất cả nhờ vào đồng lương tằn tiện của cháu.
2 lần phẫu thuật mất hơn 200 triệu nhưng cũng may, cơ quan, đoàn thể, đồng nghiệp đã hết lòng giúp cháu nên những khó khăn ấy cũng vượt qua. Hiện cháu còn nợ một ít đang trả dần. Duy chỉ có món nợ ân tình mà các anh chị em, các nhà hảo tâm dành cho gia đình cháu thì không cách nào trả được.
Cháu không còn ở Sài Gòn nữa, cũng chẳng về Hà Nội. Nay thì 3 mẹ con đã về Hậu Lộc ở với nội. Nhà cháu thì cũng không giàu có gì nhưng có chút ruộng đất cũng đỡ đần được qua ngày. Mỗi tháng cháu không dám tiêu xài gì phí phạm cố gắng đem về 4 triệu để nuôi con.
Hiện giờ cháu rất yên tâm với công việc. Cầu mong sao các con ăn ngoan chóng lớn không xảy ra điều gì bất thường. Được vậy cháu sẽ trả được hết nợ đã vay mượn của bạn bè, của anh em trong thời gian chữa bệnh cho con".
Những khay thức ăn đã được cho vào tủ hâm nóng rồi đưa đến các toa. Những tiếp viên trên tàu ai nấy đều miệt mài trong công việc.
Chúng tôi hỏi những người mà vợ chồng đều là tiếp viên thì một tháng các anh chị sum họp gia đình được mấy ngày?
Một anh nở nụ cười thật tươi nói: "Chúng tôi chồng về thì vợ đi. Mỗi người một chuyến tàu thì làm sao sum họp được. Nhưng nói thì nói vậy chứ chúng tôi cũng phải về phải sắp xếp công việc, cùng nhau chăm sóc mái ấm gia đình".
Vất vả mưu sinh
Câu chuyện giữa chúng tôi và anh em nhân viên trên tàu dần cởi mở hơn. Anh Lê Ngọc Huấn, trưởng tàu tàu SE 6 cho biết trên tàu có tất cả 27 người làm tất cả các việc trên tàu. Ngoài lái và phụ lái, mỗi toa có 1 tiếp viên. Các khâu an ninh, điện, an toàn toa xe đều có người phụ trách.
Các anh em làm việc trên tàu hầu hết là những người đến từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi đã tập trung về đây tất cả đều được thấu hiểu và cảm thông.
Nếu trước đây, đường sắt đóng vai trò chủ yếu trong giao thông thì nay đã trở thành thứ yếu. Ngành hàng không phát triển vừa nhanh vừa rẻ. Đường bộ thì có cao tốc rút ngắn được thời gian. Thị phần dành cho đường sắt vơi dần khiến cho cuộc sống của anh em cũng bị khó khăn do ảnh hưởng một phần nào.
Huấn nói tiếp, đàn ông làm việc trên những chuyến tàu thường phó mặc việc nhà cho vợ. Chăm sóc dạy dỗ con cái, công việc nội trợ bếp núc tất tần tật trong tay người phụ nữ. Họ chỉ ghé về nhà một đôi hôm sau mỗi chuyến đi.
Phụ nữ làm nghề này thì cũng không hơn gì nam giới. Thời gian trên tàu nhiều hơn ở nhà nên mọi việc đều phó mặc cho những người còn lại trong gia đình.
Trong khi đó, những thay đổi sinh học và thời tiết (do di chuyển qua nhiều vùng miền khác nhau), những bữa ăn không đúng bữa, giấc ngủ thường thì muộn màng cũng làm cho người làm việc trên tàu gặp nhiều khó khăn nhưng lâu dần cũng quen đi...
Đoàn tàu kéo một hồi còi dài. Tiếng loa thông báo đến ga nhắc nhở hành khách vang lên. Các nhân viên trên tàu từ giã chúng tôi để lao vào công việc....