Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là câu chuyện có thật của anh em nhà “Robinson”. Họ vốn gốc Huế nhưng sau giải phóng vào bãi Lau, một vùng “bán đảo” thuộc thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) lập nghiệp trở thành “chúa đảo” ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Tính đến nay anh em nhà Robinson đã bám trụ ở doi đất hẹp dưới chân đèo Cả gần 30 năm nhưng chẳng muốn vào đất liền. Họ dựng chòi chênh vênh trên vách đá, bám biển mưu sinh....
Thay nhau đốt lửa canh chừng thú dữ
Một ngày đẹp trời, từ TP Nha Trang (Khánh Hòa) chúng tôi vượt gần 100 km để đến Vũng Rô, một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên), nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Nơi đây, không chỉ được cả nước biết đến là địa chỉ đỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn có những câu chuyện cổ tích giữa đời thường đầy cảm động. Chẳng hạn như chuyện anh em nhà Robinson ở Khánh Hòa thích ở ngoài đảo hơn đất liền. Họ dựng chòi chênh vênh trên vách đá, bám biển mưu sinh dựng nên cơ nghiệp.
Nhiều người dân địa phương cho biết, họ rất cảm phục anh em nhà “Robinson” thích ở rừng rú, hoang dã nên bám riết ngoài đảo gần ba chục năm nay mà vẫn chưa chịu vô… Trong khi đó, nhiều người đồng hương ở ngoài Huế cũng chịu không nổi cảnh sóng gió đã trở về đất liền sống cho khỏe nhiều năm nay rồi.
Tiêu biểu như anh Đua, cũng là một người đồng hương với anh em nhà “Robinson” khi tình cờ chúng tôi hỏi thăm mới biết. Và, may mắn hơn nữa hôm nay anh Đua cũng có việc muốn ra thăm anh em nhà “Robinson” nên tôi theo nhờ thuyền ra bãi Lau.
Người đầu tiên tôi gặp là “chúa đảo” Lê Ngọc Hậu (46 tuổi). Sở dĩ gọi anh là “chúa đảo” bởi vì anh là người đầu tiên phát hiện và bàn cùng các em Lê Ngọc Tùng (42 tuổi) và Lê Ngọc Phùng (40 tuổi) lên đảo lập nghiệp.
|
Anh Hậu cho biết cuộc sống đã đỡ vất vả hơn ngày trước. |
Rót chén trà mời khách, anh Hậu kể lại, những ngày rời quê hương ở Huế vào Phú Yên lập nghiệp rất vất vả. Ba anh em theo cha mẹ “chạy” khắp tỉnh, đầu tiên làm ăn buôn bán ở TP Tuy Hòa, sau đó quật ngược lên miền núi Sơn Giang (Sông Hinh), xuống Phú Hòa, rồi về Vũng Rô vào năm 1990 xây dựng cất nhà, quyết tâm lập nghiệp.
Tuy nhiên oái ăm thay cơn bão lịch sử năm 1993 ập đến đã làm gia đình anh trở nên trắng tay. Để mưu sinh hằng ngày người đi biển đánh cả, kẻ vào rừng đốt than để kiếm tiền đong gạo.
“Thấy cuộc sống khổ quá, tui mới bàn với mấy em ra bãi Lau kiếm kế sinh nhai. Lúc mới ra đây nơi đây là một “bán đảo” hoang sơ không có bóng người. Cỏ cây um tùm, rắn rết, thú dữ nhiều lắm. Nhưng anh em tui quyết tâm dựng căn chòi tranh để ở lập nghiệp. Những ngày đầu tui phải đốt lửa to để tránh thú, rồi anh em thay nhau canh gác suốt đêm…
Cực nhất là nửa đêm mưa to, gió lớn, căn chòi tranh lúc nào cũng muốn sập, mưa dột lả tả, anh em thức trắng đêm không ngủ được… Nhưng không chỉ có một vài lần, mà nhiều đêm cứ như thế nhưng anh em tui vẫn cứ cắn răng chịu khổ. Nói là thế, chứ cũng có nhiều khi anh em tui định bỏ cuộc về đất liền làm thuê, làm mướn cho xong, nhưng sau đó lại thôi, rồi bám riết cho đến hôm nay”, anh Hậu tâm sự.
Qủa thật, sự kiên trì của anh em nhà “Robinson” cũng đến ngày dựng lên cơ nghiệp. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái gồm xoài, mít, điều, ổi, chuối, đu đủ với diện tích rộng gần 2ha mỗi năm cho thu nhập khá.
|
Ba anh em nhà "Robinson". |
Anh Phùng cho biết: Để có thành quả hôm nay chúng tôi phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Bởi lẽ, chỉ khâu lấy đất trên núi để trồng cũng đã bầm dập vì đá cứ chồng lên đá. Vì vậy chúng tôi chặt cây lớn làm đòn bẩy đẩy đá xuống biển để lấy đất trồng cây. Ngoài ra, việc trồng cây ăn trái cũng khó khăn lắm vì khí hậu, sóng gió rất khắc nghiệt nên khó trồng. Phải trồng thử mấy chục loại cây chúng tôi mới chọn ra được vài ba loại thích hợp để trồng đại trà. Về sau có chủ trương trồng rừng, chúng tôi phát triển thêm diện tích cây lâm nghiệp ở vùng đệm và triền núi. Đến nay, nhiều diện tích cũng đã thu hoạch.
Chưa kể đến, anh em nhà "Robinson" còn tận dùng mặt nước biển đầu tư dựng lồng nuôi tôm hùm, nuôi cá mú, mỗi năm kiếm thêm thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống bây giờ ổn định hơn, con cái đều được đi học.
|
Ngôi nhà của 3 anh em nhà Robinson. |
Quá vất vả nên đặt con là... Tao Nhã
Anh Hậu nhớ lại, hồi mới ra đây khó khăn chồng chất. Điện, nước không có nên hằng ngày anh em thay nhau phải vượt biển về đất liền xin nước ngọt. Những thứ đánh bắt được như con tôm, con cá cũng đều mang về đất liền bán để đổi gạo, ăn cơm độn sắn, rau rừng chấm mắm… Nhiều người dân trong đất liền nhìn cứ bảo: Anh em mày ở chi ngoài đó cho cực, sống tách biệt ngoài đảo, ma nào thèm lấy. Thế nhưng anh em nhà “Robinson” vẫn mặc kệ.
Nghe chồng kể, chị Đỗ Thị Liễu (42 tuổi) chen vô nói: Thế ông nói mấy chị em tui là ma hết à? Coi chừng tụi tui bỏ về đất liền hết bây giờ, chứ ngồi đó mà nói dóc.
Chị Phạm Thị Thy, vợ anh Phùng cũng hòa vào nói vui: “Tui biết mấy anh em nhà này có thể nhịn ăn, chứ thiếu nước chè xanh bọn tui nấu là không thể chịu được. Giờ tụi tui mà vô đất liền ở hết, mấy ổng mà ở đây được mới làm lạ”. Nghe xong tất cả mọi người đều bật cười rôm rả, khiến chúng tôi cảm thấy xúc động tình vợ chồng của các cặp đôi anh em nhà “Robinson”.
Còn vợ anh Tùng, chị Đặng Thị Chính cho hay, chuyện vợ chồng là cái duyên cái số không ai biết được. Lúc đầu quen chị, anh Tùng nói sống ở đảo, cha mẹ chị Chính không đồng ý vì sợ con khổ. Nhưng vì chị thương anh Tùng đức tính chịu khó, thật thà nên cùng nhau thuyết phục cha mẹ, lâu sau mới tác thành vợ chồng. Tính đến nay chị Chính theo chồng ra đảo sống gần 20 năm rồi, dù khó khăn đến mấy hai vợ chồng cũng đều vượt qua.
"Nhớ nhất là kỷ niệm khi tui sinh đứa út vào năm 2002. Khi đó đang mùa biển động, trời mưa tầm tã, tui đau bụng từ chiều đến tối thì trở dạ. Lúc này ổng quýnh hết cả lên, vì trời mưa, gió lớn không vào đất liền được.
|
Anh Tùng vẫn giữ chiếc đài kỷ niệm ngày đầu ra đảo. |
Nhưng cuối cùng ổng liều “địu” tui trên lưng, rồi bỏ lên thuyền thúng chèo đưa tui vào đất liền để đẻ. Vật lộn mất gần 1 giờ đồng hồ giữa sóng gió, cuối cùng hai vợ chồng cũng về tới đất liền. Nhưng ổng chưa kịp đưa tui đến trạm xá xã thì tui đã sinh rồi… cũng may là mẹ tròn con vuông. Với tất cả những gì đã trải qua, ổng đặt tên cho con gái Lê Thị Tao Nhã. Tôi đang đau vì mới sinh nhưng không thể nhịn cười được", chị Chính vừa kể vừa cười.
Chia tay 3 anh em nhà Robinson trên đảo, chúng tôi quay về đất liền, trong lòng thầm phục nghị lực và quyết tâm bám biển, bám đảo của họ.