Gần 900 vụ TNGT liên quan học sinh xảy ra trong năm 2023
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); trong đó, việc bảo đảm ATGT cho lứa tuổi học sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) đối với học sinh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra gần 900 vụ TNGT liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 -18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.
|
Một vụ TNGT liên quan đến học sinh ở Bắc Giang. |
Nguyên nhân là do chính quyền một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT, trong đó có bảo đảm ATGT trong lứa tuổi học sinh; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh chưa được quan tâm đúng mức; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, trách nhiệm từng chủ thể chưa được phát huy đầy đủ; việc xử lý các thông tin tiêu cực trên không gian mạng còn nhiều bất cập, vẫn còn nhiều nội dung thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho vi phạm, nhất là đua xe, lạng lách, đánh võng… tác động lớn đến lứa tuổi học sinh, nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Ngoài ra còn nhiều bất cập về tổ chức giao thông tại một số khu vực trường học chưa được khắc phục; việc quản lý chất lượng một số loại phương tiện và hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh còn thiếu chặt chẽ.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để TTATGT liên quan học sinh phức tạp
Tại Chỉ thị 31, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.
Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh (văn hóa chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, ứng xử khi chứng kiến tai nạn, va chạm giao thông; ứng xử khi tham gia xe buýt, xe khách và các loại hình phương tiện giao thông khác; ứng xử khi bị tai nạn, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông...) và yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.
Chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành giáo dục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường, lớp học, từng giáo viên trong bảo đảm TTATGT đối với học sinh, đưa nội dung bảo đảm TTATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học. Tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với các hình thức phù hợp; kiểm điểm, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Bộ GD&ĐT cũng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh.
Nâng cao chất lượng xe đưa đón học sinh, xử nghiêm vi phạm
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát các phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh, định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, các cơ sở giáo dục tổng hợp số liệu báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải và công an địa phương về hành trình, điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn để kiểm tra, giám sát.
Kiên quyết không để các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn tham gia đưa đón học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh; có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn.
Bộ Công an có trách nhiệm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm TTATGT tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.
Đối với các TNGT liên quan đến học sinh phải khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn và kiến nghị giải pháp phòng ngừa.
Thường xuyên rà soát không gian mạng, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng và những hành vi khác ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên.
Phía Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn của học sinh. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với không gian mạng, kịp thời ngăn chặn, bóc gỡ, xoá bỏ các thông tin tác động tiêu cực đến học sinh, nhất là nội dung thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng; phối hợp với lực lượng công an xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ GTVT phối hợp với địa phương tổng rà soát tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc; trường hợp có bất cập, thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh theo hình thức hợp đồng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí, ưu tiên nguồn thu từ tiền xử phạt vi phạm giao thông, đấu giá biển số xe và các nguồn tăng thu khác để tăng cường đầu tư cho các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, nhất là nhiệm vụ bảo đảm TTATGT cho học sinh...
Bộ Công Thương cần chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện, phụ tùng, mũ bảo hiểm và các trang bị an toàn khác là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nắng nóng, chế xe kéo chở trẻ đi học: có vi phạm giao thông?