“Cần phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật” – đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.
Dư luận đặt câu hỏi, với trường hợp như ca nhiễm bệnh COVID thứ 17 Nguyễn Hồng Nhung liệu có bị xử lý hình sự?
Bởi như lời bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) – đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra tờ khai y tế tại sân bay mới đây trao đổi với báo chí cho biết, nữ bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung đã được yêu cầu khai báo y tế ngay khi xuống sân bay Nội Bài vào rạng sáng 2/3. Tuy nhiên, Nguyễn Hồng Nhung đã khai báo không trung thực dẫn đến việc bỏ lọt một ca bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ Tuấn cho biết, dù khi hành khách khai xong, CDC đã phỏng vấn, điều tra thêm nhưng người này vẫn khẳng định chỉ đi từ Anh chứ không qua các nước khác.
|
Nữ bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung. |
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết cô gái này nghi mình bị nhiễm bệnh Covid-19 nên đã chủ động không tiếp xúc với mọi người, nhưng không chủ động khai báo với nhà chức trách.
Nếu như nữ bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, khi nghi bản thân nhiễm bệnh, sức khỏe không ổn, chị gái bị nhiễm bệnh mà chủ động khai báo thì sẽ hạn chế được nhiều nguy cơ lây lan.
Nếu như Nguyễn Hồng Nhung khai trung thực đã qua nước Ý, chắc chắn nhiều hành khách khác trong chuyến bay VN0054 từ London (Anh) về Hà Nội sẽ bị cách ly kịp thời, hạn chế tiếp xúc với nhiều người như hiện nay dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều tỉnh thành. Bởi chuyến bay này ngoài nữ bệnh nhân Nhung, còn có 10 người nước ngoài khác dương tính với Covid-19, nâng tổng số người nhiễm lên 31.
Việc Nguyễn Hồng Nhung không tự nguyện khai báo, cách ly kịp thời khi bị nghi nhiễm Covid-19, dẫn đến việc hai người tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân này là bác gái và người lái xe dương tính với Covid-19. Cho thấy, ca dịch đầu tiên của Hà Nội này chính là “ổ dịch” phát tán lây lan.
Hành vi của Nhung là vô cùng đáng trách khi biết bản thân sức khỏe không ổn nghi nhiễm Covid-19, vẫn về nước, khai báo không trung thực và giờ gây bùng dịch. Không chỉ gây lo lắng cho người dân Hà Nội và cả nước mà còn làm ảnh hưởng đến kinh tế đất nước khi nhiều nhà hàng phải đóng cửa, học sinh, người đi làm phải nghỉ hoặc làm online…khiến dư luận phẫn nộ vì sự thiếu ý thức của cô gái này.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, đối với hành vi cố ý trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp để cách ly và phòng chống dịch Covid-19 sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật, hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp để cách ly và phòng chống dịch Covid-19 sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi nghi mình bị nhiễm virus nhưng cố tình khai báo gian dối, trốn tránh các biện pháp cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Cụ thể: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;… c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.”
Trường hợp gây ra các hậu quả nặng nề hơn như chết người, chết nhiều người hoặc phải tiến hành công bố dịch theo các cấp, mức xử phạt có thể lên tới 12 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cần phải tiến hành chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt là đối với các cá nhân, du khách nhập cảnh vào Việt Nam từ tất cả các con đường. Đồng thời phải tiến hành xử lý nghiêm khắc các hành vi chống đối, trốn tránh kiểm tra, cách ly của những người vi phạm để răn đe, cảnh tỉnh cho người dân.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, biện pháp hành chính bắt buộc có thể áp dụng để hạn chế quyền công dân trong trường hợp nhiễm bệnh dịch là cách ly y tế.
Có thể thấy nếu bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh Covid-19 và có biểu hiện của bệnh lý thì bắt buộc phải khai báo y tế và thực hiện thủ tục cách ly theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Nhung đã không khai báo y tế về việc mình có biểu hiện bệnh lý mệt mỏi, khó thở, ho... và đã từng tiếp xúc với người đang mắc bệnh, từng qua Ý nên không bị cách ly tập trung. Chính việc khai báo không trung thực hoặc không khai báo đã khiến Nhung lọt khỏi vùng kiểm soát và trở về nhà, sau đó lây bệnh cho một số người tiếp xúc gần như lái xe, bác họ…
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Thời điểm hiện tại, hành vi bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung đã gây hậu quả nghiêm trọng là làm nhiều người khác nhiễm bệnh. Bởi vậy cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm pháp lý của Nhung, có thể xử phạt hành chính hoặc xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu những người bị nhiễm bệnh có yêu cầu bồi thường thì có thể Nhung phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy Nguyễn Hồng Nhung nhận thức được mình có thể nhiễm bệnh nhưng cố tình trốn tránh việc khai báo y tế, kiểm tra xử lý y tế dẫn đến việc gây bệnh cho người khác thì nữ bệnh nhân này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Cơ quan chức năng sẽ tích cực điều trị, chữa trị cho bệnh nhân và sau khi bệnh nhân này khỏi bệnh thì sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan và làm rõ hậu quả của việc trốn tránh kiểm dịch y tế biên giới, để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với người phụ nữ này theo quy định của pháp luật nêu trên.
Cùng chung tay chặn đứng dịch bệnh COVID-19!
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch COVID-19.
>>> Xem thêm video: Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời phỏng vấn về trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 17