Xử kín vụ án ông Nguyễn Đức Chung khác xử công khai thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 11/12, dự kiến TAND TP Hà Nội sẽ xét xử kín vụ án ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và đồng phạm về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Dư luận băn khoăn, tại sao vụ án phải xử kín? xử kín khác xử thường ra sao?

Theo thông tin ban đầu phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ toạ phiên toà là thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh toà hình sự TAND TP Hà Nội.
Theo thông báo, phiên toà sẽ được xét xử kín với ông Nguyễn Đức Chung và ba bị cáo khác về tội danh trên.
Về việc xét xử kín vụ án trên, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, xét xử kín áp dụng trong những trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng phải tuyên án công khai. Xét xử kín có nghĩa là không phải mọi người đều có quyền tham dự như trong trường hợp xét xử công khai.
Ngoài Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai được ở lại phòng xét xử để dự thính, theo dõi diễn biến phiên tòa trong thời gian xét xử kín.
Những người này chỉ có thể trở lại phòng xét xử để nghe tuyên án công khai nếu là xét xử kín toàn bộ vụ án, hoặc được trở lại phòng xét xử sau khi kết thúc phần xét xử kín của vụ án để tiếp tục dự thính, theo dõi việc xét xử công khai.
Xu kin vu an ong Nguyen Duc Chung khac xu cong khai the nao?
Ông Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm sẽ được xử kín ngày 11/12 
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla cũng cho biết, việc xét xử kín nếu nhằm đảm bảo lợi ích của đương sự, bị cáo hay lợi ích của Nhà nước thì việc xét xử kín là rất cần thiết.
Cụ thể tại Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.
Ngoài ra, các trường hợp phải xét xử kín được quy định cụ thể tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Tuy nhiên, kết quả vụ án xét xử kín cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng sẽ được công khai cho người dân được biết.
Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, mặc dù xét xử kín vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" với các bị cáo, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung, song khi tuyên án sẽ công khai. Phóng viên được tham dự để nghe tuyên án.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Đức Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an) cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án.
Trong thời gian từ 7/2019- 6/2020, thực hiện đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Trong đó, bị cáo Dũng đã chuyển cho bị cáo Chung 2 lần, gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”.
Đối với 2 bị cáo: Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, cáo trạng xác định đã một lần tham gia in, chỉnh sửa ba tài liệu “Mật” cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.
>>> Mời qúy vị độc giả xem thêm video: Truy tố ông Nguyễn Đức Chung vì chủ mưu đánh cắp tài liệu

 



Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)