Tại phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và hai bị cáo khác trong vụ tai biến y khoa khiến 9 người chạy thận tử vong ở BVĐK Hòa Bình sáng nay, nhiều người khán phòng ngỡ ngàng khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hòa Bình phải nói lời xin lỗi.
Theo đó, sự việc xảy ra trong phần tranh luận giữa Luật sư Nguyễn Tiến Thủy với đại diện VKS về tội danh của bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng Vật tư – Thiết bị (BVĐK tỉnh Hòa Bình).
|
Đại diện Viện kiểm sát xin lỗi bị cáo và luật sư tại tòa. Nguồn ảnh: Infonet |
Tại phiên tòa xử bị cáo Hoàng Công Lương, ông Thủy cho rằng, việc đầu tiên, ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) phải kiểm tra trong thiết bị y tế, sau khi kiểm tra thì chuyển sang điều dưỡng.
“Trong phiên toà này tôi chưa thấy ai hỏi kỹ càng về điều dưỡng. Thực ra điều dưỡng là bộ phận riêng biệt, có nhiều chức năng, căn cứ vào thông tư 07 năm 2011 và rất quan trọng đến mức phải thành lập phòng điều dưỡng”, luật sư Thuỷ nói.
Luật sư Thuỷ đặt câu hỏi bị cáo Trần Văn Sơn bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong vụ án. Tuy nhiên, Sơn không có hợp đồng, về mặt pháp lý không phải là người của bệnh viện, như vậy Trần Văn Sơn có được phân công nhiệm vụ không?
“Tôi đề nghị HĐXX xem xét vì chưa đủ căn cứ buộc tội bị cáo Sơn. Xem xét trả hồ sơ điều tra lại, cho bị cáo Sơn được tại ngoại, thay đổi biện pháp ngăn chặn, cấm di chuyển khỏi nơi cư trú”, luật sư Thuỷ nói. Tại toà, bị cáo Trần Văn Sơn đồng ý với ý kiến của luật sư.
Đối đáp với luật sư Nguyễn Tiến Thủy, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng khẳng định nội dung luận tội của Viện kiểm sát là dựa trên cáo trạng và diễn biến tại phiên tòa.
Bà Hằng cũng khẳng định có đủ căn cứ để truy tố Trần Văn Sơn tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng cho biết, tại bút lục 3808, đã “ghi nhầm” về quy chế chuyên môn, nhưng thực ra đó là quy trình về xử lý nước trong lọc máu, đồng thời xin lỗi luật sư và bị cáo.
“Tôi xin lỗi, đây là quy trình xử lý nước trong lọc máu của bệnh viện. Có thể số 3 với số 8 giống nhau nên tôi bị nhầm lẫn”, nữ kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, tại ngày xảy ra sự cố y khoa (29/5/2017), tất cả các y bác sỹ trong bệnh viện đều là người thực hiện trực tiếp ca trực, nên làm rõ trách nhiệm của họ thì để đảm bảo tính bao quát, Viện kiểm sát xác định họ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Lời khai của bị cáo Sơn về việc phân công phù hợp với việc phân công của Phòng Vật tư – Thiết bị y tế nên không cần thiết phải đối chất với ông Trần Văn Thắng theo yêu cầu của luật sư Thủy và bị cáo Sơn. Đại diện VKS cũng khẳng định không cần thiết phải mở rộng điều tra vụ án vì nguyên nhân vụ việc là do hóa chất tồn dư, chứ không phải do hệ thống máy móc.
Đại diện VKS cho rằng việc buộc tội bị cáo Trần Văn Sơn là có căn cứ và dựa trên cáo trạng cũng như diễn biến tại phiên toà nên vẫn giữ nguyên truy tố bị cáo Sơn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối đáp lại, luật sư cho rằng: “Việc giao việc giám sát bảo dưỡng cho nhân viên bệnh viện. Thế thì có thể phòng ban nào đó kiểm tra chứ không riêng gì bị cáo Sơn. Việc Sơn không phản đối không có nghĩa Sơn phải chịu trách nhiệm, đề nghị VKS xem lại. Sơn không được ký hợp đồng, không phải nhân viên lại đổ hết trách nhiệm cho Sơn”.