Mới đây, camera ghi lại cảnh chiếc Mercedes S400 tấp vào lề đường tại khu vực TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Khi tài xế mở hé cửa, một xe máy lao tới từ phía sau, tông trúng cánh cửa ô tô. Tại hiện trường, xe máy nằm đổ dưới mặt đất, phần đầu xe và yếm trước bị biến dạng. Trong khi đó, cửa bên ghế lái của chiếc ô tô hạng sang cũng bị gãy gập về phía trước, phần vỏ ốp bung ra ngoài.
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Nhiều người đặt câu hỏi về trường hợp này, trách nhiệm bồi thường của các bên sẽ được xác định ra sao? Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Trường hợp này cần làm rõ thời điểm tài xế mở cửa, cũng như tương quan khoảng cách giữa ô tô và xe máy tại thời điểm trên, từ đó mới có thể xác định yếu tố lỗi và trách nhiệm bồi thường của các bên.
Luật sư Tùng cho biết thêm, thời điểm xe ô tô mở cửa, xung quanh không có phương tiện, việc mở cửa đảm bảo điều kiện an toàn. Sau khoảng 6 giây, người điều khiển xe máy mới lao tới. Mặc dù thời điểm mở cửa xe đã đảm bảo an toàn nhưng vẫn cần làm rõ độ mở của cánh cửa thời điểm đó có đảm bảo độ an toàn, cánh cửa có lấn đường, gây ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện khác trên đường hay không?
Camera vụ xe Wave tông gãy cửa Mercedes S400 ở Thái Nguyên (Nguồn: OFFB)
Trong trường hợp lỗi chính thuộc về người điều khiển ô tô thì theo điểm đ, khoản 3, Điều 18, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc dừng xe, đỗ xe trên đường bộ. Theo đó, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; Theo quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đối với hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn sẽ bị xử lý là phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Trường hợp phần lỗi chính thuộc về người điều khiển xe máy do thiếu quan sát và không làm chủ tốc độ thì người này sẽ phải bồi thường thiệt hại trong phạm vi do lỗi của mình gây ra theo quy định tại Điều 584, 585, BLDS 2015. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
|
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Theo luật sư Tùng, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật... Trường hợp xác định không có lỗi của tài xế Mercedes, lái xe máy sẽ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ thiệt hại đã gây ra, trừ trường hợp đôi bên có thỏa thuận khác. Trường hợp lỗi hỗn hợp của cả hai bên thì cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm trong phạm vi do lỗi của mình gây ra.
Hiện vụ xe Wave tông gãy cửa Mercedes S400 ở Thái Nguyên đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sóc Trăng: “Ngáo đá”, tài xế xe đầu kéo liên tiếp gây tai nạn rồi bỏ chạy: