|
Nhiều chủ xe hoặc lái xe đang tắt thiết bị GPS một phần do lỗi thiết bị, một phần để ứng phó với cơ quan giám sát Ảnh: Anh Trọng
|
Theo số liệu mới nhất về các xe kinh doanh vận tải vi phạm giám sát hành trình được Sở GTVT Hà Nội công bố cuối tháng 10, tại Hà Nội có 794 xe vi phạm tốc độ (chạy vượt tốc độ quy định) trong tháng. Với xe tắt tín hiệu, không truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ được Sở GTVT Hà Nội thống kê trong tháng 8 có 97.838 xe. Trong khi đó, số lượng xe kinh doanh vận tải được Sở GTVT Hà Nội cấp phép hiện nay là trên 114.000 xe.
Các loại xe vi phạm lỗi tê liệt GPS được làm rõ, gồm có xe chở khách tuyến cố định, xe hợp đồng, taxi, xe du lịch, xe tải - container chở hàng hóa, thậm chí cả xe buýt…
Theo thông báo của Sở GTVT Hà Nội, các đơn vị vận tải có nhiều xe phạm lỗi tắt thiết bị GPS gồm: Hợp tác xã vận tải Toàn Cầu có 124 xe chở khách hợp đồng; Chi nhánh Cty Liên danh quốc tế ABC có 165 xe chở khách hợp đồng; Chi nhánh 1 - Cty Công nghiệp Quảng An 1 tại Hà Nội có 198 xe gồm cả xe chở khách hợp đồng, xe du lịch, xe tải chở hàng; Cty CP dịch vụ vận tải Hồng Hà có 25 xe chở khách theo tuyến cố định; Cty TNHH MTV vận tải và dịch vụ JAC có 14 xe chở khách hợp đồng; Chi nhánh Cty CP tập đoàn Mai Linh Hà Nội có 36 xe chở khách taxi…
Ngày 6/11, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện chỉ có xe chạy quá tốc độ và thời gian lái xe của tài xế được Sở GTVT Hà Nội ra các quyết định thu hồi phù hiệu hoạt động phương tiện vi phạm từ 1 đến 2 tháng. Với xe tắt thiết bị giám sát hành trình Sở GTVT Hà Nội chưa có cơ sở để xử lý (thu hồi phù hiệu). Theo Sở GTVT Hà Nội, việc này lâu nay đang dừng ở việc đơn vị ra văn bản nhắc nhở tài xế và chủ doanh nghiệp có xe vi phạm.
Các nhà cung cấp, đơn vị lắp đặt thiết bị GPS nhiều nhất cho các doanh nghiệp vận tải, xe kinh doanh trên cũng được làm rõ, gồm: Công ty CP Điện tử viễn thông Ánh Dương; Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh; Công ty TNHH Ứng dụng Bản đồ Việt (VIETMAP); Công ty Cổ phần Công nghệ Quốc tế Asia…
Cảnh sát giao thông chưa thể xử lý lỗi GPS
Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng Phòng Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện lỗi xe kinh doanh vận tải tắt GPS các sở GTVT chỉ thông báo và không thu hồi phù hiệu như lỗi chạy quá tốc độ và tài xế chạy xe quá giờ quy định vì đây là thiết bị bắt buộc phải trang bị và truyền dữ liệu thường xuyên trên xe. Theo ông Thủy, lỗi này nếu CSGT làm nhiệm vụ trên đường phát hiện sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xử phạt.
Tuy nhiên, Thượng tá Phùng Đức Hưng, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, Cục CSGT cho biết, về nguyên tắc các lỗi xe vi phạm về giao thông trên đường, CSGT có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, thiết bị giám sát hành trình GPS là thiết bị điện tử nên để kiểm tra, xử lý phải có chuyên môn về công nghệ, cùng với đó phải có thiết bị, công cụ nghiệp vụ chuyên dụng để kiểm tra, truy cập mới xử lý được.
Cũng theo ông Hưng, một bất cập nữa của thiết bị GPS được lắp đặt trên xe là hiện nay, nhiều xe đã trang bị thiết bị cả chục năm nhưng phần mềm không được cập nhật kịp thời, dẫn đến nhiều tuyến đường mới, trong đó có hệ thống cao tốc đã đưa vào sử dụng gần đây hệ thống chưa cập nhật, chưa hiển thị thông tin. Việc này khiến cho xe kinh doanh vận tải đi vào các tuyến đường mới, cao tốc vừa thông xe, trong đó có cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa GPS không có thông tin báo cho tài xế, cơ quan quản lý, theo dõi thiết bị GPS, trong đó có việc xe không nhận diện được tuyến đường đang đi, biển báo, tốc độ phương tiện được phép lưu thông.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Cục Đường bộ là cơ quan chủ trì việc triển khai lắp đặt thiết bị GPS cho xe kinh doanh vận tải, do vậy cần chủ động trong việc đưa ra chủ trương, xử lý xe vi phạm các lỗi kèm theo. Cụ thể, xe bị tắt thiết bị GPS, không truyền dữ liệu cần phải xử phạt lỗi như không có thiết bị GPS.