Dự án đại lộ Đông – Tây TP Buôn Ma Thuột có một phần đi qua xã buôn Kŏ Mliâo (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dù chưa hoàn thành nhưng tại buôn nghèo này đã diễn ra tình trạng nhiều người dân đổ về mua đất gần ruộng rồi lấn chiếm cải tạo, xây dựng trái phép các công trình như hồ bơi, tường kiên cố, lấn ruộng, hủy hoại đất, san lấp dòng suối…
Tháng 7/2021, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng đã ban hành văn bản phê bình đối với xã Hòa Thắng vì để xảy ra các trường hợp xây dựng trái phép, hủy hoại đất nhưng không kịp thời xử lý. Tuy nhiên, với việc để tình trạng xây dựng trái phép, lấn ruộng trên diễn ra, dư luận lại tiếp tục đặt câu hỏi về trách nhiệm của UBND xã Hòa Thắng và các cơ quan chức năng liên quan?
|
Hộ ông Mạc cải tạo làm thay đổi hiện trạng lòng hồ khi chưa xin phép. Ảnh: Tiền Phong
|
Xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tình trạng vi phạm trên có dấu hiệu của hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai ở mức độ rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, vi phạm quy định về trật tự xây dựng, bức xúc trong dư luận.
Luật sư Cường cho rằng, trường hợp các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương buông lỏng quản lý có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ hoặc tội vi phạm quy định về quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng.
“Bởi trong phạm vi trách nhiệm thẩm quyền của mình, các cơ quan chức năng cần phải áp dụng mọi biện pháp để phát hiện và xử lý vi phạm bằng các chế tài hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả, thậm chí có thể thu hồi đất. Trường hợp hành vi vi phạm diễn ra nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện các dự án, ảnh hưởng đến trật tự xây dựng, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, có thể xem xét xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với công tác quản lý đất đai trên địa bàn theo các quy định pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng trên, trách nhiệm thuộc về UBND xã Hòa Thắng và người đứng đầu là Chủ tịch xã nếu vi phạm trên diễn ra mà không xử lý dứt điểm.
Cụ thể, căn cứ vào Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật đất đai 2013 và một số quy định về chức năng quyền hạn của UBND các cấp trong lĩnh vực quản lý hành chính, đất đai, nếu trong quá trình quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, có thể áp dụng quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự 2015 để xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, để làm được như vậy, các cơ quan chức năng cần phải thu thập thêm chứng cứ về những sai phạm của UBND và thiệt hại do hành vi đó gây ra.
Cần phải áp dụng những chế tài nghiêm khắc hơn
Mới đây phản ánh về tình trạng trên tại buôn Kŏ Mliâo, một số cơ quan báo chí đã nêu điển hình là trường hợp ông Bùi Văn Mạc xây dựng tường rào trái phép trên đất lúa và đã bị UBND xã Hòa Thắng xử phạt hành chính nhưng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm. Xã Hòa Thắng đã yêu cầu ông Mạc dừng thi công toàn bộ các công trình trên đất lúa; nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt và tự tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, ông Mạc tự ý cải tạo lòng hồ, xây dựng các trụ bê tông trên lòng hồ. Hay như một hộ dân khác đã giăng dây, đóng cọc trên đất ruộng, thậm chí có người dân còn xây dựng nhà 2 tầng, xây hồ bơi, cải tạo lòng suối.
Trước đó, cũng tại buôn Kŏ Mliâo, UBND TP Buôn Ma Thuột cũng đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc vụ ông Phan Ngọc Diễn (45 tuổi, Giám đốc một ngân hàng chi nhánh tại Đắk Lắk) có hành vi hủy hoại đất, nhưng không khắc phục hậu quả. Ông Diễn đã 2 lần bị UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định xử phạt với số tiền lần lượt là 105 triệu và 60 triệu đồng và yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, UBND xã Hòa Thắng cùng các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn có thẩm quyền kiểm tra, xử lý, ngăn chặn căn cứ theo các quy định của pháp luật.
Cụ thể, với hành vi người dân tự ý đóng cọc và giăng dây trên phần diện tích đất ruộng, nếu việc dựng hàng rào gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác sẽ bị xử phạt với mức cao nhất là 10 triệu đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Đối với trường hợp hộ ông Bùi Văn Mạc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thậm chí còn tự ý cải tạo lòng hồ, xây dựng các trụ bê tông trên lòng hồ, làm thay đổi hiện trạng lòng hồ khi chưa xin phép chính quyền địa phương và hành vi của một hộ dân khác xây dựng nhà 2 tầng (dạng nhà sàn), rồi xây hồ bơi, cải tạo lòng suối chạy dài hàng trăm mét, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, các hành vi này đều dược coi là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người vi phạm có thể bị phạt với mức cao nhất. Ngoài ra, còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất. Nếu trong quá trình thực hiện hành vi mà gây cản trở tới quyền sử dụng đất của người khác còn bị xử lý theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.
Đối với hành vi của ông Phan Ngọc Diễn căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP sẽ buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành, Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai 2013. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật, đối với đất nông nghiệp nếu không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không hiệu quả, cố tình hủy hoại đất, Nhà nước sẽ thu hồi theo điều 64, Luật đất đai 2013. Do đó, chính quyền địa phương có thể lên phương án để thu hồi đất đối với các hộ gia đình cố tình vi phạm quy định về đất đai, nhiều lần xử lý vi phạm nhưng không chấp hành để răn đe, làm gương cho các hộ gia đình khác.
Bên cạnh đó, với đất nông nghiệp chuyên trồng lúa nước, việc chuyển nhượng phải được thực hiện giữa các hộ gia đình cùng có hộ khẩu trong địa bàn phường xã và phải có công chứng hoặc chứng thực và đăng ký theo quy định của pháp luật mới được pháp luật thừa nhận. Nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất chuyên trồng lúa nước mà đối với những người không cùng địa phương không được phép chuyển nhượng, pháp luật không bảo vệ các giao dịch đó.
“Hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai sẽ bị áp dụng chế tài hành chính, cụ thể là hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, làm thay đổi hiện trạng quyền sử dụng đất. Với những hành vi này chính quyền địa phương nơi đây cho biết, họ cũng đã xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật nhưng không có hiệu quả, hành vi vi phạm tiếp tục diễn ra. Bởi vậy cần phải áp dụng những chế tài nghiêm khắc hơn, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, thậm chí có thể thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Đối với các công trình xây dựng trái phép trên đất nếu chủ đầu tư công trình không tự nguyện chấp hành, chính quyền địa phương phải có biện pháp cưỡng chế tháo dỡ công trình và buộc chủ đầu tư xây dựng trái phép phải chi trả chi phí tháo dỡ. Trường hợp cố tình vi phạm thì có thể ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cách chức chủ tịch phường để xảy ra xây dựng trái phép tại Đồng Nai: