Xác định người trúng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp thế nào?

Google News

Để trúng cử Đại biểu Quốc hội phải đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc, trong đó người trúng cử phải là người ứng cử và có số phiếu bầu phải đạt quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.

Ngày 23/5 tới, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều độc giả thắc mắc về nguyên tắc xác định người trúng cử và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo tại chỗ liên quan đến việc kiểm phiếu bầu cử.
Xac dinh nguoi trung cu Dai bieu Quoc hoi, Dai bieu HDND cac cap the nao?
Ngày 23/5 tới là ngày hội toàn dân đi bầu cử. 
Theo đó, đối với việc xác định người trúng cử đã có những quy định và nguyên tắc cụ thể.
Nguyên tắc thứ nhất là kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri ở khu vực bầu cử đó tiến hành bầu cử, trừ những trường hợp bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri đi bầu thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không cần tổ chức bầu cử lại lần thứ hai nữa.
Nguyên tắc thứ hai là người trúng cử phải là người ứng cử và có số phiếu bầu phải đạt quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.
Nguyên tắc thứ 3 là số người ứng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ, nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.
Nguyên tắc thứ tư là trong trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn sẽ là người trúng cử.
Khi có khiếu nại tại chỗ thì Tổ bầu cử sẽ phải ghi những nội dung khiếu nại này vào ngay trong biên bản. Trong trường hợp Tổ bầu cử không tự giải quyết được thì sẽ phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào trong biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo; sau đó, chuyển tới Ban bầu cử tương ứng để giải quyết khiếu nại.
Có rất nhiều mẫu biên bản khác nhau từ bầu đại biểu Quốc hội cho tới đại biểu HĐND các cấp và Tổ bầu cử phải lập rất nhiều loại biên bản sau khi kết thúc bầu cử. Thông thường thì có 4 loại biên bản gồm: Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội tại khu vực bỏ phiếu, Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu, Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện tại khu vực bỏ phiếu và Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tại khu vực bỏ phiếu.
Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử gồm có các nội dung cơ bản như: thứ nhất, ghi rõ tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu; thứ hai, số lượng cử tri đã đến bỏ phiếu; thứ ba, số phiếu đã phát ra, số phiếu thu vào, số phiếu hợp lệ, số phiếu không hợp lệ, kết quả số phiếu bầu cho từng ứng viên là bao nhiêu; thứ tư, trong biên bản cũng phải ghi có khiếu nại, tố cáo nào hay không và nếu có thì nội dung của những khiếu nại, tố cáo đó là gì. Ngoài ra, cũng cần phải ghi rõ là trong số những khiếu nại, tố cáo đấy thì khiếu nại nào đã được chuyển, sẽ phải chuyển cho Ban Bầu cử.
Một điểm lưu ý khác là trong biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử cũng phải có đầy đủ chữ ký của Tổ trưởng Tổ bầu cử, Thư ký của Tổ bầu cử và chữ ký của tối thiểu hai cử tri được mời chứng kiến quá trình kiểm phiếu. Đây là những nội dung cơ bản mà ở trong một biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử cần phải có.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Danh sách ứng cử Đại biểu HĐND TP. Cần Thơ khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Đơn vị bầu cử số 1)

Nguồn: Truyền hình Cần Thơ


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)