Xả thải đầu độc nước sông Đà: Công ty sông Đà vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân?

Google News

(Kiến Thức) - Kỹ sư Trần Quang Hưng, chuyên gia ngành nước cho rằng, Công ty Sông Đà vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân. Nguồn nước bị người khác đổ trộm chất thải nhưng khi có chất độc hại công ty đã xử lý rất vội vàng, để cho nó xâm nhập cả một hệ thống mà vẫn không biết.

Số lượng dầu đổ trộm và thu gom chênh lệch khá lớn
Liên quan việc xả thải đầu độc nước sông Đà, dư luận hiện đang quan tâm đến số lượng dầu thải được thu gom là bao nhiêu khi ngay cả thông tin do UBND tỉnh Hòa Bình cung cấp trong thông cáo báo chí ngày 17/10 và báo cáo của Công ty CP nước sạch sông Đà về số lượng dầu thu gom vẫn có độ chệnh lệch lớn.
Theo lời khai của đối tượng Lý Đình Vũ, sau khi thỏa thuận với Nguyễn Thị Huyền Trang, con gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà, Vũ đã thuê Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám lái xe tải đến công ty này lấy khoảng 10m3 dầu thải.
Theo biên bản kiểm tra (được lập vào ngày 19/10) của đoàn công tác gồm đại diện Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Phú Thọ… về vấn đề chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại công ty CP gốm sứ Thanh Hà cho thấy, Đại và Thám đã lấy gần 9000 kg dầu thải tại công ty này sau đó mang đi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.
Xa thai dau doc nuoc song Da: Cong ty song Da vua la nguyen nhan, vua la nan nhan?
 Dầu thải bị đổ trộm gây ô nhiễm nước sạch sông Đà.
Trong khi đó, đối với lượng dầu được thu gom, ngay thông cáo của UBND tỉnh Hòa Bình và báo cáo từ Công ty CP nước sạch sông Đà dù có sự chênh lệch nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số dầu thải mà đối tượng đã lấy từ Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà.
Cụ thể, theo tài liệu cung cấp cho báo chí của UBND tỉnh Hòa Bình mà cụ thể là văn bản số 318/BC-UBND ngày 17/10 về kết quả kiểm tra vụ đổ trộm dầu thải tại Nhà máy nước sông Đà cho thấy, khối lượng thu gom khoảng 100 lít váng dầu lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu khoảng 60kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy. Khoảng 3-4m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.
Tại văn bản Công ty nước sạch sông Đà gửi Công an huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình ngày 17/10 cho thấy, số lượng chất thải được chôn lấp gồm khoảng 50 can 20 lít chứa dầu thải và nước; Khoảng 100 bao tải chứa cỏ, cây dính dầu; Đất và cát khoảng 170m3 (Công ty vẫn đang tiếp tục thu gom).
Như vậy, chỉ trong ngày 17/10 văn bản mà UBND tỉnh Hòa Bình cung cấp cho các cơ quan thông tấn báo chí trong buổi họp báo và văn bản mà Công ty nước sạch sông Đà gửi cho Công an huyện Kỳ Sơn đã có sự chênh lệch rất lớn. Trong khi đó, số lượng dầu thải bị đổ trộm và số lượng dầu thải được thu gom cũng đang có những số liệu vênh nhau tới 10 lần trong các báo cáo của các đơn vị liên quan.
Công ty sông Đà vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân?
Mới đây, tại Tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề về pháp lý”, kỹ sư Trần Quang Hưng, chuyên gia ngành nước cho biết, Việt Nam đã làm rất tốt việc cấp nước an toàn cho các tỉnh như: Vũng Tàu, Bình Dương… nhưng riêng Hà Nội, cách thực hiện không được chặt chẽ như các địa phương khác.
“Đúng là Công ty Sông Đà vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân. Nạn nhân là nguồn nước của các anh bị người khác đổ trộm chất thải. Còn nguyên nhân là khi có chất độc hại Công ty xử lý rất vội vàng, thiếu thông minh, để cho nó xâm nhập cả một hệ thống mà vẫn không biết, vẫn bảo là nước sạch được đảm bảo. Chúng ta phải chỉnh lại toàn bộ công tác từ sản xuất nước và phân phối”, ông Trần Quang Hưng nói.
Liên quan vụ việc trên mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối tượng Nguyễn Chương Đại (SN 1994) và Lý Đình Vũ (SN 1982), cùng trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Hoàng Văn Thám (SN 1986), trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn về hành vi “Gây ô nhiễm môi trường”, theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Theo lời khai ban đầu của đối tượng Lý Đình Vũ, Vũ được một người phụ nữ tên Trang ở Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà thuê đi đổ dầu thải. Cụ thể, lời khai ban đầu của Vũ cho thấy, Vũ được 1 người phụ nữ tên là Trang ở Phú Thọ thuê đổ chất thải. Người phụ nữ yêu cầu Vũ đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) lấy chất thải, sau đó đem đến chỗ nào vắng người thì đổ. Sau khi thoả thuận với người phụ nữ tên Trang, Lý Đình Vũ quay về Bắc Ninh thuê Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám đi lấy chất thải để đổ.
Ngày 6/10, Đại và Thám lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) gửi xe.
Đến ngày 8/10, Đại và Thám lái xe tải trên đi đổ thải ở Hoà Bình, tuy nhiên, do trên đường bị hỏng xe nên Đại gọi điện cho Vũ đến. Chính vì vậy, Vũ đã lái xe ô tô BKS 89A-13766 đến nơi xe hỏng. Sau đó, 3 đối tượng mang xe tải đi sửa rồi chở đến khu vực vắng người ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành xả chất thải, sau đó bỏ trốn.
Sau khi các đối tượng trên đổ thải, đến khoảng 21h30 phút ngày 08/10/2019, một số công nhân phát hiện tại đường giao thông liên xã Phú Minh - Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (thuộc địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến) việc xả chất thải nguy hại (nghi là dầu thải) xuống mặt đường và chảy xuống suối Trầm thuộc xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến đến hồ Đầm Bài (là nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Qua quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định 3 đối tượng nghi vấn tổ chức thực hiện hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường nêu trên, gồm: Lý Đình Vũ (sinh năm 1982), Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994), cùng trú xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986, trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)