Cảng hàng không, sân bay mang tính chiến lược
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc cần dựa trên rất nhiều yếu tố như xác định nhu cầu hành khách, nhu cầu vận tải, xác định quy mô, mạng đường bay khai thác của hệ thống CHK, sân bay; xác định quy hoạch phát triển đối với từng CHK, sân bay, khả năng trung chuyển... Quy hoạch hàng không không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế xác hội (KTXH) mà còn phải tính đến sự phù hợp giữa hàng không dân dụng và hàng không quân sự, đảm bảo an ninh hàng không và an ninh quốc phòng.
|
TSKH Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo. |
Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 4/3/2020 là một trong số 5 quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT là cơ quan tổ chức lập quy hoạch. Việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển CHK, sân bay toàn quốc sẽ phải đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển GTVT, phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT và thực hiện vai trò thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK và sân bay thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, VUSTA tổ chức hội thảo góp ý quy hoạch. Đây là một trong chuỗi ba nhiệm vụ VUSTA triển khai thực hiện trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT gồm: góp ý Quy hoạch mạng lưới đường bộ, Quy hoạch mạng lưới đường sắt và Quy hoạch tổng thể hệ thống CHK và sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội thảo góp ý Quy hoạch CHK, sân bay toàn quốc là một nội dung quan trọng, góp phần vào quy hoạch tổng thể quốc gia quy hoạch vùng lãnh thổ và quy hoạch ngành, cũng là góp phần thực hiện chiến lược phát triển KTXH 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua.
“Bộ hồ sơ dự thảo quy hoạch mà VUSTA nhận được từ Bộ GTVT là một bộ hồ sơ hết sức đồ sộ với hơn 1.000 trang thuyết minh báo cáo quy hoạch, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và trên 50 trang bản đồ quy hoạch. Bộ hồ sơ với nhiều thông tin, số liệu, hình ảnh, đã cho thấy sự nghiêm túc và cầu thị của Bộ GTVT trong việc xin ý kiến của các đơn vị liên quan trong đó có VUSTA. Sau khi nhận được bộ hồ sơ quy hoạch do Bộ GTVT dự thảo, VUSTA đã làm việc với Hội khoa học Công nghệ hàng không và thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu tài liệu và đóng góp ý kiến cho dự thảo” – TSKH Phan Xuân Dũng nói và tin tưởng với kinh nghiệm chuyên môn và tâm huyết của mình, các chuyên gia sẽ có những ý kiến khách quan, khoa học và mang tính chất xây dựng đối với nội dung dự thảo.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chỉ ra những vấn đề cần trao đổi tại hôi thảo. |
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay trên cả nước đang khai thác 22 CHK gồm 9 CHK quốc tế và 13 CHK nội địa đã đóng góp tích trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH, an ninh quốc phòng của đất nước nói chung và từng vùng miền nói riêng. Tuy nhiên, hiện chưa có CHK đầu mối lớn, mang tầm khu vực và quốc tế; một số CHK khai thác thực tế vượt so với dự báo và công suất thiết kế như: CHK Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài; nhiều hạng mục tại các CHK chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng do các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, đặc biệt là quản lý đất đai và xây dựng, hoặc do hạn chế về nguồn vốn; công suất các CHK cần được cân đối cho phù hợp với điều kiện phát triển KTXH...
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, thời kỳ 2021- 2030 có 26 CHK, bao gồm 13 CHK quốc tế, 15 CHK nội địa với tổng công suất thiết kế khoảng 654,5 triệu khách/năm. So với giai đoạn đến năm 2030, bổ sung thêm 4 CHK gồm: Lai Châu, Nà Sản, Cao Bằng và quy hoạch thêm CHK thứ 2 cho vùng Thủ đô (vị trí sẽ được nghiên cứu, xác định cụ thể sau năm 2040).
Tài nguyên gồm cả không gian đất đai và bầu trời của ta có hạn, chi phí đầu tư 1 CHK rất lớn nhưng để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, phát triển kinh tế vùng, kinh tế đất nước, chúng ta phải lập quy hoạch phát triển hệ thống CHK, sân bay, phải xác định các hạng mục đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 hay giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030, cơ chế nào để thu hút được nguồn lực thực hiện được mục tiêu này.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng nêu rõ một số vấn đề cần trao đổi trong hội thảo như: góp ý chung cho báo cáo quy hoạch, quan điểm và mục tiêu lập quy hoạch; đề xuất của các tỉnh về bổ sung CHK mới thời kỳ 2021 – 2030; Quy hoạch lùi thời điểm CHK Lai Châu, Nà Sản sau 2030; Quy hoạch CHK thứ 2 cho vùng Thủ đô; Các tiêu chí đánh giá cần lập CHK mới và các chính sách nào để phát triển CHK.
“Bộ GTVT rất mong nhận được nhiều ý kiến, đóng góp trí tuệ, khách quan của các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.
Hoàn thiện các lỗ hổng, thiếu sót
Tham gia phản biện, đóng góp ý kiến tại hội thảo, TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội KH&CN Hàng không Việt Nam cho rằng, phải có quy hoạch 2 hệ thống con là Dân sự và Quân sự, sau đó tích hợp lại để làm rõ 2 hệ thống con và việc dùng chung các CHK, sân bay. Trên cơ sở này Nhà nước thống nhất quản lý cả 2 hệ thống con và quy định chặt chẽ việc phối hợp giữa Quân sự và Dân sự trong hoạt động. Có như thế Nhà nước mới thống nhất quản lý sử dụng vùng trời và mặt đất thống nhất để bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh tế và an ninh quốc phòng.
|
TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội KH&CN Hàng không Việt Nam đề nghị cần làm rõ hệ thống Dân sự và Quân sự. |
Mặt khác, nếu không tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thì không thể có hoạt động hàng không chung. Đây là lỗ hổng rất lớn hiện nay của luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Hệ quả tiếp theo là quỹ đất dành cho sự phát triển hệ thống sân bay sẽ rất hạn chế và bị động để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Hàng không Việt Nam trong tương lai gần.
Chưa đưa ra được các kiến nghị về chính sách phù hợp như: Việc huy động nguồn lực theo phương thức xá hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác CHK, sân bay đang rất cần có chính sách minh bạch làm rõ quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước và nhân dân. Có như thế nhà đâu tư mới mạnh dạn, tin tưởng bỏ vốn đầu tư xây dựng, khai thác CHK, sân bay.
TS Trần Quang Châu đặt ra vấn đề: Việc bản quy hoạch tổng thể đưa ra quyết tâm xây dựng các CHK Nội Bài, Canh Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là các CHK, sân bay cửa ngõ quốc tế xem ra chưa đủ sức thuyết phục về lý luận và thực tiễn. Tại sao không có CHK Đà Nẵng hay Chu Lai? Tại sai không có CHK Vân Đồn hay CHK Cà Mau?
Nhóm tác giả cũng chỉ nêu đến năm 2050 nước ta có trình độ khoa học hàng không ngang tầm các nước phát triển ở châu Á. Tại sao không là các nước có nền khoa học công nghệ hàng không phát triển trên thế giới? Căn cứu về điểm này nó ở đâu? Đi lên bằng con đường nào, ra sao, bao giờ?
“Các giải pháp về cơ chế chính sách hàng không là chưa toàn diện và chưa đủ tầm. Theo tôi, cần kiến nghị Quốc hội sớm cho sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật Hàng không Dân dụng Việt Nam. Trong đó ưu tiên về hoạt động hàng không chung; Huy động vốn từ nhiều nguồn cho phát triển ngành HKDDVN; Vấn đề cổ phần hóa các CHK, sân bay; Quy chế phối hợp giữa Quân sự và Dân sự trong hoạt động hàng không ở mặt đất và trên không; Hợp tác rộng rãi trong nước và quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Hàng không Việt Nam" - TS Trần Quang Châu nói.
|
PGS. TS Nguyễn Huy Đồng chỉ ra những thiếu sót trong hồ sơ quy hoạch.
|
PGS. TS Nguyễn Huy Đồng, Viện kỹ thuật công trình đặc biệt, Hội KH&CN Hàng không Việt Nam chỉ ra những thiếu sót trong hồ sơ quy hoạch như: Thiếu phần phân tích tính toán định lượng yếu tố kinh tế và chính trị xã hội đối với các CHK, phần dự báo nhu cầu vận tải trình bày còn sơ sài, chưa có phần đánh giá và phân tích ưu nhược điểm của các lần quy hoạch trước đây, đặc biệt là nội dung đã từng được Thủ tướng phê duyệt.
“Nhiều nội dung đã từng nghiên cứu, tính toán cho đến năm 2030 đến nay vẫn còn đúng và sử dụng được thì ta cần tôn trọng và tiếp thu. Tất nhiên, những nội dung đã cũ và lạc hậu thì chúng ta cần phải chỉnh sửa cho phù hợp. Khi chỉnh sửa, thay đổi thì cần có phân tích, đánh giá và nêu các kết luận cho việc chỉnh sửa này”- PGS. TS Nguyễn Huy Đồng ý kiến.
PGS. TS Nguyễn Huy Đồng tập trung đóng góp ý kiến vào chương 7 của dự thảo (dự báo nhu cầu vận tải) vì theo ông đây là một chương rất quan trọng, với kết quả dự báo đúng thì sẽ định hướng đúng cho các nội dung khác, còn kết quả dự báo không đúng thì dẫn đến việc quy hoạch không còn phù hợp và phải quy hoạch điều chỉnh lại ngay.
“Cần tiến hành làm cho chuẩn hơn về vấn đề dự báo vì dây là nội dung rất quan trọng có tính chất quyết định cho việc Quy hoạch mạng CHK, sân bay trong những giai đoạn tiếp theo” - PGS. TS Nguyễn Huy Đồng nói và đưa ra công thức dự báo.
|
KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh vào nội dung quy hoạch sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô Hà Nội.
|
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng tập trung phân tích về nội dung sân bay thứ 2 ở Thủ đô Hà Nội. Theo KTS Trần Ngọc Chính, các tác giả để nội dung sân bay này sau năm 2040 mới đưa vào quy hoạch là không phù hợp và không thấy được vị thế của Thủ đô. Sân bay thứ 2 phải được xem xét ở 3 vị trí: Ứng Hóa, Hải Dương và Phủ Lý. Theo đánh giá, vị trí ở Hải Dương có vẻ phù hợp là địa điểm quy hoạch phù hợp.
Mặt khác, nếu không có quy hoạch thì không có cơ sở để giữa đất được được (ví dụ như sân bay Long Thành) hoặc việc mở rộng phía Nam sân bay Nội Bài là rất khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng của 647ha khi mà ở khu vực này có mật độ dân cư đông đúc (mặc dù đã được quy hoạch hàng chục năm trước đây).
Vì vậy đề nghị sân bay thứ 2 ở Thủ đô nên được nghiên cứu đưa vào quy hoạch, lựa chọn địa điểm chính xác khi đã có tiêu chí về đường bay, không gian kiểm soát, đất đau, phương án đề bù giải tỏa, tính chất cơ lý của đất đai. Nên chọn quy hoạch để được phê duyệt.
Tại hội thảo, TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Quảng lý kinh tế TW; PGS.TS Phạm Bích San, Chuyên gia Xã hội học; PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trưởng Việt Nam cùng nhiều chuyên gia khác phát biểu nhiều ý kiến đóng góp vào trong hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển CHK, sân bay.
|
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia thuộc VUSTA đóng góp tích cực vào bản dự thảo quy hoạch CHK, sân bay. |
Trực tiếp nghe những ý kiến tư vấn, phản biện sâu sắc và thiết thực của các nhà khoa học, chuyên gia thuộc VUSTA, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn gửi lời cảm ơn và xin ghi nhận những đóng góp. Đồng thời, đề nghị các đơn vị của ngành GTVT nghiêm túc rà soát, điều sớm hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh