Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM vừa có kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Dương Tấn Hậu (SN 1992, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) là nam tiếp viên hàng không, về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn tới cấp có thẩm quyền đề nghị xử lý các sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện cách ly tại Khu cách ly tập trung của Hãng Hàng không Vietnam Airlines.
|
Khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines. |
Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ban quản lý khu cách ly Vietnam Airlines liên quan vụ việc trên.
Theo kết luận điều tra, trong các ngày 23/5, 23/11 và 26/11/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã kiểm tra việc thực hiện cách ly tại ban quản lý và ghi nhận nhiều thiếu sót như: trước khi tiếp viên lên nhận phòng chưa được đo nhiệt độ tầm soát; còn bố trí máy nước nóng lạnh, bàn ăn trong khuôn viên chung, tổ bay còn tiếp xúc qua lại với nhau...
Từ đó, HCDC đề nghị, không để cho tổ bay tự ý ra khỏi phòng lưu trú nhưng ban quản lý không khắc phục, vẫn còn tình trạng thành viên tổ bay tiếp xúc với nhau.
Tuy nhiên, Ban quản lý khu cách ly Vietnam Airlines đã không quản lý, giám sát chặt chẽ dẫn đến việc Hậu tiếp xúc trực tiếp với 2 người khác vào ngày 17/11/2020 (2 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19).
Việc cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với các cá nhân có trách nhiệm ở ban quản lý là do việc tiếp xúc trên xuất phát từ sự tự phát, thiếu ý thức của các cá nhân. Bên cạnh đó, vai trò các thành viên trong ban quản lý là kiêm nhiệm, không phải lực lượng chuyên trách, nhân lực làm việc tại khu cách ly tập trung không đủ để giám sát, quản lý đối với từng cá nhân.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh gửi công văn tới cấp có thẩm quyền đề nghị xử lý các sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện cách ly tại Khu cách ly tập trung của Hãng Hàng không Vietnam Airlines là hoàn toàn có cơ sở.
Luật sư Cường cho rằng, với các cán bộ phụ trách khu cách ly và cán bộ y tế ở địa phương có trách nhiệm theo dõi nam tiếp viên hàng không trên trong thời gian cách ly tại địa phương. Do đó, căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan điều tra có thể đề nghị xử lý kỷ luật nếu xác định có lỗi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Nếu trong quá trình điều tra có căn cứ việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức cách ly y tế, vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, tổ chức cách ly y tế ở mức độ nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có thể đề nghị truy tố đối với các cá nhân có liên quan” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Tuy nhiên luật sư Cường cho rằng, trong vụ án này, kết luận điều tra của cơ quan điều tra không đề nghị truy tố cũng như trước đó không khởi tố cán bộ nào khác của đơn vị này nên vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.
|
Nam tiếp viên Dương Tấn Hậu. |
Theo luật sư Cường, trong quá trình xem xét hồ sơ, Viện kiểm sát có căn cứ cho thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm sẽ trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung và xem xét trách nhiệm của những người có liên quan. Trường hợp viện kiểm sát đồng ý với kết quả điều tra của cơ quan điều tra sẽ chỉ truy tố đối với người mà cơ quan điều tra đề nghị truy tố rồi chuyển hồ sơ đến tòa án để được xét xử theo thủ tục chung.
Liên quan đến hành vi của nam tiếp viên hàng không, luật sư Cường cho rằng, với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế tập trung và cách ly y tế tại nhà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, nam tiếp viên hàng không này sẽ bị truy tố về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm chuyển nhiệm cho người theo điều 240 bộ luật hình sự năm 2015.
Trong vụ án này, bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tiền từ năm 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi của người này dẫn đến việc chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ y tế phải ban hành quyết định công bố tình trạng dịch bệnh thì người này phải đối mặt với mức hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù theo quy định tại khoản hai của điều 240 bộ luật hình sự.
“Với diễn biến của vụ việc này, nam tiếp viên này có thể phải đối đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù theo khoản 1, Điều 240 BLHS nêu trên” – luật sư Cường cho hay.
Kết luận điều tra nêu rõ, ngày 14/11/2020, Dương Tấn Hậu cùng đoàn bay của VNA từ Nhật Bản về Việt Nam và được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung của VNA. Qua 2 lần xét nghiệm đều âm tính, Hậu được khu cách ly tập trung VNA cho về cách ly tại địa phương đến hết ngày 28/11/2020.
Tuy nhiên, quá trình cách ly tại khu cách ly tập trung của VNA, Dương Tấn Hậu đã tiếp xúc trực tiếp ngoài phòng cách ly với hai người khác.
Cụ thể, 20h tối 17/11/2020, Hậu ra khỏi phòng và gặp hai tiếp viên hàng không là N.T.H, N.T.N tại hành lang khu cách ly. Hai người này đã bay trên chuyến bay nhập cảnh về VN từ ngày 11/11/2020 và có kết quả dương tính lần lượt vào các ngày 25, 26/11/2020. Khi cách ly tại địa phương, Hậu tiếp tục vi phạm các quy định cách ly như: rời khỏi nhà trọ và cùng bạn là L.M.S (là giáo viên dạy tiếng Anh) đi ăn, đi uống cà phê; ngày 22/11/2020, Hậu còn tham gia thi tiếng Anh tại Trường đại học Hutech.
Đến ngày 28/11/2020, Hậu có kết quả dương tính với COVID-19. Ngày 30/11/2020, L.M.S có kết quả dương tính với COVID-19, trở thành bệnh nhân số 1347.
Dương Tấn Hậu vi phạm quy định cách ly khiến lây bệnh cho giáo viên dạy tiếng Anh (BN 1.347 trong thời gian cách ly ở nhà). Tiếp đó, giáo viên dạy tiếng Anh (BN 1.347) đã tiếp xúc nhiều người khi đi dạy học, tập gym, uống cà phê, khiến 2 người khác mắc COVID-19 (BN 1.348 và BN 1.349).
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra xác định hành vi của Hậu đã gây thiệt hại về cả vật chất và phi vật chất. Theo xác định của Sở Y tế, việc Hậu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là 2,8 tỷ đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2 của Dương Tấn Hậu.
Về chi phí đã sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp do tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính liên quan trong vụ án, chính quyền các cấp xác định chi phí là hơn 1,6 tỷ đồng. Từ đó, Cơ quan điều tra xác định toàn bộ thiệt hại vật chất trong vụ này là hơn 4,475 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định vụ án còn có thiệt hại phi vật chất là việc cách ly đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 861 người cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nhà.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ trưởng Bộ Y tế: Nam tiếp viên hàng không vi phạm rất nghiêm trọng về phòng chống COVID-19