Vào 7 giờ sáng nay (7/8), vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 16,5-17,5 độ Vĩ Bắc; 115,5-116,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây và tiếp tục mạnh thêm. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp nên trong ngày và đêm nay (7/8), ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và Vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2-4m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 8-9.
Dự báo trong 1-2 ngày tới, vùng áp thấp có nhiều khả năng phát triển thành áp thấp nhiệt đới với xác suất rất cao.
|
Vùng áp thấp hình thành trên Biển Đông sáng qua sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong hôm nay hoặc ngày mai. Ảnh minh họa.
|
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nối với rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ nên ngày và đêm nay Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến 10-30mm, có nơi trên 40mm. Hà Nội hôm nay (7/8), có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.
Tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, do gió mùa tây nam hoạt động tăng cường nên từ nay đến ngày 9/8 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, thời gian mưa dông tập trung vào chiều và đêm, lượng mưa từ 20-40mm/24h, có nơi trên 50mm/24h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 8 năm nay, Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Con số này xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Trong tháng 8, vùng có tần suất bão/áp thấp nhiệt đới tác động nhiều nhất là Bắc Biển Đông, ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Một số cơn bão trong tháng 8 những năm gần đây như bão số 3 (MINDULLE) tháng 8/2010, đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa-Nghệ An, gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), gió mạnh cấp 10 ở Quỳnh Lưu và Hòn Ngư (Nghệ An), gió giật cấp 12 ở Quỳnh Lưu, cấp 13 ở Hòn Ngư.
Bão số 5 (Kai Tak) tháng 8/2012 với cường độ trên biển Đông mạnh cấp 12, gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở vịnh Bắc Bộ, khu vực ven biển Quảng Ninh gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Mùa bão năm nay được nhận định phức tạp, khó lường do tác động của trạng thái La Nina duy trì đến hết năm 2022. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 1 năm 2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng từ 4-6 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.