“Vua phi lao” xứ Nghệ
Chúng tôi tìm gặp khi cụ Lán đang mải miết vác xẻng trong một buổi đi “tuần tra” rừng phi lao như thế. Căn nhà nhỏ của cụ nằm ẩn mình dưới bóng những hàng cây phi lao xanh tốt dưới chân đê chắn sóng của xã Xuân Hội.
Mời chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế dài dưới tấm bạt thủng lỗ chỗ được cột chặt vào những thân cây phi lao che mưa nắng, cụ Lán cho hay đây là một trong nhiều điểm canh gác phía trong và ngoài đê. Nói xong, cụ bỏ chiếc xẻng trên vai xuống để lộ nguyên những vết sờn, rách trên vai áo đã ngả màu.
|
Ông Lán kể về rừng cây phi lao chắn gió bão cho dân làng. ẢNH: V. ĐỒNG |
Năm 1946, khi mới 17 tuổi cụ Lán cưới vợ rồi tham gia tòng quân đánh Pháp ở mặt trận miền Tây tỉnh Thanh Hóa. Sau 5 năm kháng chiến, cụ xuất ngũ trở về quê nhà và tiếp tục tham gia đội dân quân tự vệ xã Xuân Hội.
Rời quân ngũ, hàng chục năm sau vợ chồng cụ vẫn sống cảnh đói nghèo. Cụ bảo, vùng đất này trước kia quanh năm hứng chịu thiên tai, bão lũ vì làng cách biển chỉ một dải cát trắng xóa, không có đê, không có rừng chắn sóng.
Đặc biệt, trận lũ lịch sử năm 1978 khiến vùng quê của cụ tan hoang, xơ xác. Ngày đó, hầu hết dân làng đều đói ăn, thiếu mặc, nhiều gia đình đã bỏ làng, tìm đến vùng quê khác mưu sinh. Vợ chồng cụ ở lại trong tâm thế giữ đất, giữ làng và nghĩ kế sinh nhai.
Thấy được tác hại của thiên tai khi làng không có đê, rừng chắn sóng cụ Lán quyết định đưa cả nhà ra bãi cát trống mà hiện đang ở này vừa làm nghề ngư bám biển. Có được con cá con tôm, cụ bà mang đi chợ bán đong gạo cho con và theo lời chồng dặn, tích góp chỉ để… mua cây phi lao về trồng!
Đó là sự hiện thực hóa mong ước của cụ bởi vào năm 1986, sau khi dời lều ra bãi biển thấy mênh mông bãi cát bạc trắng, cụ đã thấy rõ hiểm họa của thiên tai với làng biển. Cụ lặng lẽ lên xã xin giấy phép trồng cây phi lao trên cát để thực hiện ý tưởng trồng rừng chắn sóng, gió.
Thường những năm đó mỗi ngày kéo lưới được 100.000 đồng thì dù cần kíp việc gì, cụ cũng không cho vợ con tiêu hết mà trích ra 20.000 đồng “bỏ ống” để chi vào việc mua giống cây phi lao.
Ngày đó cứ gom được một khoản tiền kha khá là cụ Lán lại cặm cụi đạp xe gần 10 km sang xã Xuân Phổ, Xuân Đan để mua cây phi lao giống về trồng. Ít thì vài chục cây, nhiều thì hơn 100 cây. Mới đầu trồng chưa có kinh nghiệm nên số lượng cây phi lao chỉ sống được một nửa. Phần vì bị sóng đánh gãy, trâu bò ăn hoặc bị kẻ xấu trộm mất, phần thì cây đứt rễ rồi héo úa dần. Cụ xót xa nhưng kiên quyết không bỏ cuộc.
Thậm chí, có những thời điểm gia đình khó khăn, cụ vẫn tâm niệm có thể đói ăn đói mặc nhưng không thể không mua cây, trồng và chăm cây phi lao được. Bởi, nó là thành lũy, là tính mạng của bao nhiêu con người dân làng quê cụ.
Mất 7 cái răng vì… bảo vệ cây
Rồi đến khi đứng nhìn một số cây phi lao lớn lên, cụ Lán phấn chấn vì nghĩ, một cây sống thì sẽ có một rừng cây. Vì thế, cụ quả quyết “lấy ngắn nuôi dài” để gây dựng thành rừng phi lao.
Lúc đầu được 10 cây, cụ huy động con cái, chòm xóm vừa trồng vừa bảo vệ, chăm sóc thì chắc chắn sẽ có 100 cây, 1.000 cây. Công việc này sẽ gặp khó khăn, nhưng khó cũng phải làm bởi cái đích là phải tạo được rừng phi lao ven biển để giữ gìn cuộc sống.
Đúc rút kinh nghiệm trồng cây phi lao từ 2 năm đầu, cụ bắt đầu để ý đến việc mua cây giống, cách trồng sao cho phù hợp với thời tiết ở vùng biển lắm nắng, nhiều gió này. Cụ nhớ lại kinh nghiệm là mua cây phi lao phải có phần ụ đất bọc dưới rễ, dù có đắt hơn một chút nhưng cây sẽ chất lượng hơn, rễ dễ phát triển để bám vào từng thớ đất mới.
Riêng việc trồng cây, cụ nắm được quy luật thời tiết là phải chọn vào thời điểm từ tháng 8 đến tháng 10 vì lúc đó mát trời lại có nhiều mưa nên cây có cơ hội phát triển tốt hơn. Quan trọng nhất là cách trồng. Khi trồng cây non chỉ cho vào nửa đất để rễ cây bớt áp lực từ trên đè xuống sẽ phát triển tốt. Sau 1 tuần khi cây đã bám rễ thì phải vun đầy đất chung quanh để cây đứng vững trước gió mạnh thổi vào từ phía biển.
Sau quá trình trồng phi lao, cụ Lán nghiên cứu thêm để vừa trồng phi lao vừa trồng tre. Đến nay, gần 10ha bãi cát của xã Xuân Hội đã trở thành rừng phi lao, rừng tre xanh ngắt. Không gian xanh đó kéo dài gần 2km bao bọc cả làng quê yên bình ở bên trong. Để bảo vệ cánh rừng này, cụ Lán đã phải nghiên cứu và lên kế hoạch tuần tra rất tỉ mỉ.
Cuộc chiến bảo vệ rừng phi lao của cụ có khi còn gian nan gấp vạn lần gian khổ trồng cây. Thậm chí, không chỉ mồ hôi mà máu cụ đã đổ. Đó là, có lần phát hiện hai người xã bên vào rừng chặt trộm cây, cụ ngăn lại và đuổi ra khỏi rừng.
Vụ đó xảy ra xô xát, cụ Lán bị đối tượng đánh gãy 7 chiếc răng và dập nát 1 đốt ngón tay. Khi hai người này bị công an bắt, thì cũng chính cụ lặn lội đến xin cho họ được về nhà. Cụ bảo: “Mình đang trồng cây gây rừng nên cái tâm cũng thanh thản. Mình làm phúc cứu họ thì sau này biết đâu họ tâm phục, khẩu phục và quay lại giúp cho mình”.
Dẫn chúng tôi đi qua con đê ra trước bờ biển Xuân Hội, cụ Lán chỉ vào những cây phi lao cao lớn rồi khoe: "Có nhiều người đến hỏi mua về làm nguyên liệu giấy. Những cây phi lao có đường kính từ 15 – 20 cm họ trả giá tới 80-100 ngàn đồng nhưng tôi không bán.
Nếu bán hết cây thì coi như bán đứt tính mạng của bao nhiêu người dân bám biển nơi đây. Bán cây đồng nghĩa với việc bán đi công lao, ý tưởng có ích của đời mình". Nghe tâm sự của cụ già cập kê tuổi cửu thập, gần đất xa trời này sao mà đáng ngưỡng mộ đến thế!
“Cha” nuôi của nhiều người
Thấy những đứa trẻ tung tăng chơi đùa ngoài bãi biển, cụ Lán trầm ngâm nhớ lại khoảng thời gian khó khăn của làng quê đói nghèo sau trận lũ năm 1978. Nhiều năm tiếp theo sau trận lũ, người dân bỏ làng nhiều vô kể. Là người vùng biển không bám biển thì lấy gì sống. Việc cụ đưa cả gia đình ra đây mưu sinh là để thử thách, giúp cho dân làng tìm hướng mưu sinh trước gian khó.
Khi những người trong làng thấy cụ nhờ bám biển chài lưới mà thoát được cơn đói nghèo liền rủ nhau đến xin cho gia nhập đội kéo lưới. Từ 30 người neo đơn kể cả phụ nữ, học sinh mới rời ghế nhà trường, dần dần đội quân của cụ Lán tăng lên 50 rồi 70 người tham gia kéo lưới.
Để cưu mang cuộc sống của những người này, mỗi ngày gia đình cụ nấu 3 nồi cơm lớn gồm 6 bát gạo và 1 tạ sắn. Cứ thế, mờ sáng tất cả đều ra bờ biển thả lưới rồi kéo lưới, trưa ăn cơm độn sắn, đến tận chiều tối mới về làng. Ngày làm được bao nhiêu, tối ăn chia bấy nhiêu một cách sòng phẳng, rõ ràng.
Dần dần, nhiều người trong đội cụ đã có của ăn của để. Do cảm phục cách làm ăn vì người nghèo khổ của cụ nên họ đã xin nhận cụ làm cha nuôi và chung tay cùng cụ trồng, bảo vệ rừng cây. Cụ Lán khuyến khích bà con cùng mình trồng, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả. Cụ làm cho họ hiểu được “rừng là thành lũy" chắn sóng nên họ đều trân trọng, yêu mến và tận tâm, tận lực vì nó.
Đi dọc chiều dài bãi biển Xuân Hội, cụ Lán kể không hết chuyện về rừng cây. Thi thoảng cụ dừng lại kiểm tra những tấm xốp dày được cố định vào nhau và có dây đeo trên nhiều cây phi lao hướng ra biển. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc về việc này, cụ hồ hởi giải thích: “Cứ cách 10m dọc bãi biển là tôi “sắm” cho mỗi cây phi lao 2 bộ phao xốp này. Đây là dụng cụ cứu người gặp nạn ngoài biển của tôi đấy”.
Thì ra, khi thấy người gặp nạn, cụ Lán liền dong thuyền ra biển, trên người đeo một bộ phao vào cổ, bộ phao còn lại khoác một bên vai để ném cho người gặp nạn bám vào. Cụ cho hay, nhờ cách làm này, cụ đã cùng các ngư dân khác cứu sống hơn 50 nạn nhân từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa trôi dạt từ ngoài biển vào đây.
Cụ nhớ nhất là lần cùng một số ngư dân cứu sống được 8 người đuối nước. Về sau, có một chị quê ở thị xã Cửa Lò là một trong 8 người bị nạn quay lại cảm ơn rồi “đính chính” là vụ đó cụ cứu được 9 người vì lúc gặp nạn chị ấy mang thai được 4 tháng. Cụ cười tươi khi nhắc đến câu chuyện vui này.
Ngoài những bộ phao xốp, cứ tối đến là cụ Lán lại vai vác thang, tay xách đèn bão ra treo lên ngọn cây phi lao cao nhất, sát bờ biển làm “tiêu đèn” để những người gặp nạn có hướng vào bờ. Chính việc làm này mà nhiều người không gọi cụ Lán là “cha nuôi” chung chung mà là “cha nuôi của nhiều người”.
Người đàn ông vừa trồng rừng cứu người trong bờ vừa dong thuyền ra khơi cứu hàng chục ngư dân khác khi mắc nạn đó cười lớn giữa rừng phi lao bạt ngàn. Cánh rừng phi lao xanh tốt của cụ không chỉ khiến nhiều người nhắc đến cụ với danh xưng “Vua phi lao xứ Nghệ” mà còn là bảo bối cứu người khi xẩy ra hoạn nạn.