Vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, là điểm du lịch hấp dẫn thu hút trên 3 triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm. Tuy nhiên, ít ai biết rằng “viên ngọc quý” cần bảo vệ ấy lại đang phải gánh hàng tấn rác, hàng vạn khối nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày.
Một công nhân vệ sinh môi trường cho biết: “Lượng rác trôi nổi rất nhiều, nhiều thuyền bè vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định, nhiều dân vô ý vất xuống biển, rác trên bờ mưa theo nguồn nước đưa ra. Vớt được vật cứng thôi, chất lỏng thải chưa xử lý được”.
|
Mỗi ngày có hàng tấn rác được thu gom trên vịnh mang về bờ xử lý. |
Đều đặn 3 giờ chiều mỗi ngày, khoảng 2 tấn rác lại được tàu chuyên dụng vận chuyển về bến trung tâm TP Hạ Long, sau đó đưa lên bờ xử lý. Đây là lượng rác được 30 nhân công của đội vệ sinh môi trường thu gom trong ngày trên khắp vịnh Hạ Long, từ rác thải tại các hang động tuyến điểm tham quan, khu vực lồng bè của ngư dân cho đến rác trôi nổi trên mặt biển. Chai lọ, vỏ lon, túi nilon, rau củ và những rác thải không tên.
|
Rác thải trôi nổi cùng vô số khu công nghiệp, dịch vụ, dân sinh ven bờ đang gây sức ép lớn với môi trường vịnh. |
Theo Ban Quản lý các dịch vụ công ích TP Hạ Long, năm vừa qua ngân sách đã phải chi gần 4,5 tỷ đồng tiền thu gom vớt rác thải trên vịnh Hạ Long. Tuy vậy, với mặt biển khu vực di sản hàng trăm km2, cộng thêm bờ biển dài, việc vẫn bắt gặp rác ứ đọng ven bờ cũng không hiếm, gây “nhức mắt” người dân và du khách.
Rác thải rắn tuy gây mất mỹ quan nhưng lại không phải là yếu tố tác động lớn nhất đến môi trường vịnh. Đáng giật mình là những con số về lượng nước thải đang đổ thẳng ra vịnh mỗi ngày. Báo cáo của Ban quản lý vịnh Hạ Long cho thấy, các khu vực bờ vịnh có mật độ dân cư cao như TP Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ, huyện Vân Đồn, TX Quảng Yên đều không có nhà máy hay trạm xử lý nước thải: “Nước thải tại các khu dân cư này đang đổ trực tiếp ra vịnh Hạ Long mà không qua xử lý”.
Còn tại thủ phủ TP Hạ Long, nơi có 4 trạm xử lý, lượng nước thải sinh hoạt đang đổ ra vịnh cũng gần 15,3 nghìn m3 mỗi ngày đêm. Thực tế thì các trạm này chỉ đang xử lý được khoảng 35%, trong khi tổng lượng nước thải của thành phố là trên 30 nghìn m3/ngày.
Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Văn Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long - đơn vị vận hành 4 trạm xử lý nước thải cho biết, nguyên nhân chính là do hạ tầng. Nhiều khu dân cư, đô thị mới “mọc” lên vài năm gần đây không được đấu nối vào hệ thống đường ống thải xây dựng từ trước. Bất cập này sinh ra một nghịch lý là chỉ nước thải của các phường trung tâm mới được xử lý, nước thải ở chính nơi đặt nhà máy cũng phải đổ thẳng ra biển.
|
Khu vực bến cá trung tâm TP Hạ Long, một trong những điểm ven bờ mang hình ảnh nhếch nhác, ô nhiễm bên bờ vịnh.
|
Ông Trinh cho biết: “Khả năng xử lý nước thải trên địa bàn theo ước tính chỉ khoảng 35% toàn bộ nước thải. Đây là dự án của Đan Mạch từ năm 2008. Khi xây dựng dự án tập trung vào các khu vực đông dân, muốn đấu nối vào rất khó vì theo hệ thống thu gom có sẵn”.
Khó có thể đếm hết những sức ép môi trường đang “đè” lên vịnh Hạ Long. Nhiều khu công nghiệp, dịch vụ ven bờ từ kinh doanh xăng dầu, cơ khí, đóng tàu, vật liệu xây dựng vẫn đang xả thải, dù được cấp phép hay cố tình xả “chui”. Chỉ trong tháng 2/2017 vừa qua, cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý 4 đơn vị xả thải ra vịnh gây ô nhiễm. Không thể không nhắc đến ngành công nghiệp khai thác than, nước thải mỏ gần 55 triệu m3/năm. 35 trạm xử lý công nghệ cao của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam hiện cũng chỉ xử lý được 74% lượng nước thải mỏ.
Trên mặt biển, hơn 1.000 tàu thuyền các loại ngày đêm đổ dầu thải xuống biển, trong đó tàu đánh cá là đối tượng xả thải tự do, tùy tiện theo thói quen và nhận thức thấp. Hơn 500 tàu du lịch dù phải trang bị hệ thống xử lý nước và chất thải, nước thải la canh buồng máy nhưng hiệu quả cũng chưa cao. Chưa kể đến hàng loạt các dự án lấn biển đang mọc lên như nấm trong nhiều năm gần đây cũng gây ô nhiễm vịnh Hạ Long.
|
Bất cập từ hệ thống thu gom khiến nhiều khu vực tại TP Hạ Long vẫn đang đổ thẳng nước thải ra vịnh. |
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng ban Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết: “Có nhiều tác nhân, quan trọng nhất là rác thải ven bờ, rác thải và nước thải tại các khu công nghiệp, dân cư cũng như các dịch vụ ven bờ, gây tác động lớn đến môi trường vịnh. Ngoài Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn còn có Cát Bà, Hải Phòng, nơi có lồng bè nhiều phao xốp trôi sang”.
Kết quả quan trắc năm 2016 cho thấy, khu vực ven bờ vịnh Hạ Long có chỉ số dầu mỡ khoáng, kim loại năng, ô nhiễm từ nước thải gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Khu vực vùng lõi di sản ít ô nhiễm hơn. Dù vậy, có lẽ không cần đến những con số đó, người dân địa phương cũng dễ dàng chỉ ra những khu vực “nóng”, từ Bắc Cửa Lục, cảng Tuần Châu tới cột 5, cột 8 (Hạ Long), Bến Gio, cảng cây số 6 (Cẩm Phả)…
Hậu quả của ô nhiễm không còn là câu chuyện của riêng vịnh Hạ Long hay Quảng Ninh, khi mà hàng năm, hàng trăm tình nguyện viên của các tổ chức nước ngoài vẫn tới đây, triển khai nhiều chiến dịch nhặt rác, trồng rừng ngập mặn, cung cấp công nghệ xử lý ô nhiễm. Nhiều năm qua, các bãi tắm ven bờ vịnh “nổi tiếng” khiến du khách e ngại, các rặng san hô cũng mất dần. Ngư dân lo lắng thủy sản cũng không còn chất lượng. Chưa kể những tác động lâu dài đến hệ sinh thái, bãi triều. Tác động đến sức khỏe của cộng đồng, những người đang sinh sống ven bờ và trên biển là không thể đong đếm.
Vịnh Hạ Long đã và đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Xử lý như thế nào là câu hỏi không mới nhưng chưa bao giờ hết nóng./.