Vừa là trách nhiệm, yêu cầu, vừa là thước đo năng lực, đạo đức công vụ

Google News

Chỉ thị đầu tiên của tân Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thượng tôn pháp luật và nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân…

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt, thể hiện rõ những khát vọng, ý chí của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, vẫn còn một số ngành, địa phương, đơn vị chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, quy chế làm việc của UBND tỉnh và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Vua la trach nhiem, yeu cau, vua la thuoc do nang luc, dao duc cong vu
Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 01/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn 
Trước tình hình đó, tân Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ban hành chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 01/01/2021 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhận được sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp chính quyền, nhân dân Thanh Hóa.
Không phải ngẫu nhiên, tân Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lại ký chỉ thị đầu tiên liên quan vấn đề trên, kể từ khi nhậm chức.
Trong quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong tình hình và yêu cầu mới hiện nay, việc siết chặt kỷ cương là vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất trong chỉ đạo, điều hành hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Khi trên đà thắng lợi, tâm lý chủ quan, lơi là, thậm chí thả lỏng, coi thường pháp luật rất dễ nảy sinh. Một số vụ việc, ở một số đơn vị, một số cán bộ “dính” các sai phạm, thậm chí đến mức phải kỷ luật hoặc xử lý hình sự thời gian vừa qua, đã cho thấy rõ thực tế đó.
Điều đáng nói là, những vụ việc đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả và hình ảnh chung đối với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Trong chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có những vấn đề then chốt mang ý nghĩa quan trọng, quy định cụ thể nhưng thể hiện tinh thần kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đồng lòng, hưởng ứng thực hiện vì mục tiêu chung để Thanh Hóa ngày càng phát triển, phấn đấu là “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ đã căn dặn.
Trước hết, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, những hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã và đang còn tồn tại ở một số cấp, một số nơi, một số cán bộ. Nhiều vụ việc được dư luận phản ánh công khai, nhiều vụ việc chưa được phản ánh nhưng “ai cũng biết”, nhất là biểu hiện của sự “chung chi”, “có lợi cá nhân mới làm”, rồi hiện tượng “chạy chọt”, thông đồng... Điều đó khiến dư luận không khỏi xì xào về những mặt xấu của một số cán bộ, một số đơn vị.
Vô hình trung, những mặt xấu đó đã tác động tiêu cực đến hình ảnh chung của hệ thống chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Những nỗ lực chung của các cấp, các cơ quan, đơn vị đã chưa thể làm dư luận có cái nhìn thực sự hoàn toàn “thiện cảm” về đạo đức công vụ, về môi trường đầu tư, về tinh thần phục vụ... Chính vì thế, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, để giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ những hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực, vì động cơ và mục đích cá nhân.
Vua la trach nhiem, yeu cau, vua la thuoc do nang luc, dao duc cong vu-Hinh-2
Thanh Hóa sẽ thực hiện thành công Nghị quyết số 58 NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 
Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu. Lâu nay, chúng ta nhấn mạnh rất nhiều đến trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, đơn vị, địa phương. Thực tế, thời gian qua, trách nhiệm của người đứng đầu đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tích cực, được dư luận và nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, một việc tưởng như không lớn nhưng không còn cá biệt là hiện tượng người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị được yêu cầu tham gia các cuộc họp do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức yêu cầu nhưng không tham dự, mà lại cử cấp phó đi thay.
Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng, thậm chí có biểu hiện coi thường chỉ đạo của cấp trên. Đó cũng là nguyên nhân khiến việc thực thi công vụ chậm tiến độ, thậm chí không thực hiện, rồi buông lỏng, đùn đẩy trách nhiệm… Chính vì thế, chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu triệt để người đứng đầu thực hiện nghiêm túc việc trực tiếp tham gia các cuộc họp; “trường hợp vì lý do khách quan không thể tham dự, phải được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh”.
Đây là một “tuyên bố”, chỉ thị cứng rắn, gắn liền trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc thực thi công vụ. Bởi suy cho cùng, nếu người đứng đầu không nêu gương, không mẫu mực thì rất khó để có một tập thể và từng cá nhân trong tập thể đó đoàn kết, trách nhiệm và hoàn thành các chức trách được giao.
Trong chỉ thị số 01 của Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật. Vì sao phải thượng tôn pháp luật? Tất cả chúng ta đang sống và làm theo hiến pháp và pháp luật. Trong thực thi công vụ, việc tuân thủ pháp luật, lấy các quy định của pháp luật làm “hệ quy chiếu” là điều kiện cao nhất đối với cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Vì thế, một trong những yêu cầu tối quan trọng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước là tinh thần thượng tôn pháp luật, nêu cao trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân. Như Bác Hồ đã dạy, cán bộ phải là “công bộc” của nhân dân. Ngay từ trong những ngày đầu giành được độc lập, Người đã nhắc nhở: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân…”.
Thế nhưng, thời gian qua, một số cán bộ đã không thực hiện đúng lời căn dặn của Bác. Ngay tại tỉnh Thanh Hóa, một số cán bộ đã bị xử lý vì không thực hiện đúng trách nhiệm “công bộc của dân”. Cũng từ đó, kỷ cương thứ bậc ở đâu đó, ai đó đã không giữ được lề lối.
Vì thế, việc tuân thủ nghiêm thứ bậc và kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phân công của cấp trên… là điều không thể xem nhẹ. Các cụ xưa đã nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn” là ở chỗ đó.
Có thể nói, những nội dung bao quát nhưng rất cụ thể trong Chỉ thị số 01 của tân Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm rất cao của tỉnh Thanh Hóa trong việc tăng cường kỷ cương, siết chặt kỷ luật trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nghiêm các nội dung của chỉ thị này vừa là trách nhiệm vừa là yêu cầu, là lời kêu gọi và cũng là thước đo năng lực, đạo đức công vụ và hiệu quả của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.
Nếu thực hiện tốt những nội dung trong Chỉ thị số 01 ngày 01/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh Hóa chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới; trước mắt là hệ thống hành chính công sẽ vận hành trôi chảy; công việc trong từng ngành, từng đơn vị, từng cơ quan sẽ “đúng hạn, đúng kỳ”, “đảm bảo chất lượng”… Và cao hơn nữa, Thanh Hóa sẽ thực hiện thành công Nghị quyết số 58 NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như mong muốn của Bác Hồ khi về thăm Thanh Hóa.
>>> Mời các bạn xem thêm video: Học tập, quán triệt Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị

Nguồn: Truyền Hình Nhân Dân


Theo congluan.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)