Máy ép cọc đổ đè chết 2 cháu bé ở Bắc Ninh: Trách nhiệm NĐT hay chủ thầu?

Google News

Khi 4 cháu nhỏ đang chơi ở khu vực thi công xây dựng thì bị máy ép cọc đổ trúng làm 2 cháu tử vong, 2 cháu bị đa chấn thương. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận, câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai lại cần lời giải đáp?

Ngày 7/1, UBND huyện Lương Tài (Bắc Ninh) cho biết, nơi xảy ra vụ máy ép cọc đổ đè chết 2 cháu bé thuộc công trình Nhà văn hoá thôn, chủ đầu tư là UBND xã Phú Hoà. Tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 3 tỷ đồng, đơn vị thi công là Công ty Tuấn Tài Phát (xã An Thịnh, huyện Lương Tài). Công ty này mới được giao thầu hôm 20/12/2020, đến ngày 5/1/2021, khi bắt đầu triển khai đưa các thiết bị khoan, ép cọc tới công trình thì xảy ra tai nạn. 
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ máy ép cọc đổ đè chết 2 cháu bé ở Bắc Ninh là vụ tai nạn rất thương tâm và có thể có lỗi tắc trách của đơn vị thi công.
Bởi vậy, đồng thời với việc cứu chữa cho các cháu bị thương, hỗ trợ gia đình mai táng thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm của các bên có liên quan để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
May ep coc do de chet 2 chau be o Bac Ninh: Trach nhiem NDT hay chu thau?
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. 
Theo quy định của pháp luật thì đơn vị thi công cần phải sử dụng máy móc trang thiết bị phù hợp, phải bố trí người có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp để quản lý, vận hành máy móc. Nơi công trường thi công phải có biển cảnh báo an toàn, phải che chắn để đảm bảo an toàn cho người lao động và những người xung quanh. Việc để các cháu nhỏ vui chơi ở trong khu vực thi công là chuyện khá bất ngờ và đã gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Cường cho hay, cơ quan chức năng sẽ làm rõ người quản lý, vận hành, điều hành máy ép cọc này là ai, có thực hiện các thủ tục, quy trình vận hành theo đúng quy định hay không, có thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn lao động hay không, tại sao lại để các cháu nhỏ vào khu vực công trường đang thi công. Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định có lỗi vô ý của đơn vị thi công, người quản lý, sử dụng máy móc dẫn đến hậu quả tai nạn chết người thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, tội vô ý làm chết người hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp... tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể.
Điều kiện để khởi tố vụ án hình sự là vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ở đây là chứng minh lỗi vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả của người có trách nhiệm quản lý, sử dụng máy ép cọc này. Lỗi của người này có thể thể hiện ở chỗ người này phải nhận thức được rằng với tình trạng máy móc thiết bị như thế thì có thể gây tai nạn cho người khác nhưng đã không có cảnh báo, không quan sát, không kiểm tra dẫn đến hậu quả tai nạn xảy ra.
May ep coc do de chet 2 chau be o Bac Ninh: Trach nhiem NDT hay chu thau?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Cường cho rằng, cũng có thể lỗi thể hiện ở chỗ đã không tuân thủ quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp khi thi công công trình. Trường hợp vi phạm quy định về đảm bảo an toàn lao động, an toàn nơi đông người dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.
Về nguyên tắc giải quyết vụ việc trong trường hợp này là kết quả xác minh cho thấy nếu có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội vô ý làm chết người hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ để có kết luận, làm căn cứ áp dụng pháp luật.
Trường hợp người nào vi phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì ngoài việc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự thì phải có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm hại theo quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong trường hợp không chứng minh được lỗi của cá nhân thì vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn được đặt ra. Chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình này phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thiệt hại ở đây là chi phí cứu chữa trước khi chết, chi phí cứu chữa đối với các em bị thương, tiền công người chăm sóc, tiền tổn thất về tinh thần và các chi phí khác phát sinh.
Vẫn biết rằng tính mạng của con người là không gì so sánh được, những bồi thường thiệt hại của tổ chức, đơn vị chỉ bù đắp được phần nào thiệt hại cho gia đình người bị hại. Tuy nhiên việc xem xét trách nhiệm pháp lý vẫn cần phải đặt ra và làm rõ nguyên nhân để thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Vấn đề an toàn lao động cần phải được siết chặt, quản lý tốt để tránh những vụ việc thương tâm như thế này tiếp tục xảy ra.
Hiện vụ máy ép cọc đổ đè chết 2 cháu bé ở Bắc Ninh đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>>> Xem thêm video: Bắc Ninh: Máy ép cọc ngã, đè chết 2 cháu nhỏ

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)