Liên quan tới vụ VN Pharma, thông cáo báo chí phát đi của Bộ Y tế ngày 29/8 cho rằng TAND TP.HCM đã xét xử vụ án buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của tổ chức, cơ quan của Công ty VN Pharma nghiêm minh theo pháp luật.
Bộ Y tế nói mình làm đúng
Đề cập đến trách nhiệm quản lý của mình trong việc thẩm định hồ sơ nhập khẩu số lượng thuốc H-Capita 500 mg của công ty VN Pharma, Bộ Y tế cho hay đã thực hiện theo đúng quy định, đúng trình tự, thủ tục. Theo đó, việc Cục Quản lý dược của bộ này cấp phép nhập khẩu số thuốc trên là “hoàn toàn đúng quy định hiện hành, không có ưu ái”. Thông cáo cũng cho hay trước khi cấp phép, Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định hồ sơ với sự tham gia của 10 chuyên gia thẩm định (thuộc Trường ĐH Dược Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Cục Quản lý dược).
|
Dù Bộ Y tế đã ra thông cáo giải trình trước công luận nhiều vấn đề về trách nhiệm của mình trong vụ VN Pharma nhưng còn rất nhiều “góc khuất” cần làm rõ, nhất là trách nhiệm trong việc thẩm định, cấp phép; quá trình đấu thầu thuốc… |
Về việc tại sao trong quá trình thẩm định đã không phát hiện ra hồ sơ giả, thông cáo này cho hay tài liệu do Công ty thuốc VN Pharma nộp kèm theo đơn hàng có đầy đủ (giấy chứng nhận thuốc lưu hành tự do (FSC) và giấy chứng nhận nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP)). Tuy nhiên, những tài liệu này đã được làm giả một cách tinh vi, các chuyên gia về dược không thể phát hiện bằng mắt thường.
Theo thông cáo trên, chính Bộ Y tế đã có những nghi ngờ đầu tiên về một số bất thường trong sự vụ này, xuất phát từ giá thuốc H-Capita kê khai và giá trúng thầu tại hội đồng đấu thầu thuốc Sở Y tế TP.HCM thấp hơn các thuốc cùng loại được sản xuất từ các nước thuộc hệ thống.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) đã yêu cầu giám đốc Công ty VN Pharma giải trình. Xét thấy giải trình của công ty chưa thỏa đáng, ngày 1-8-2014 Cục Quản lý dược đã có công văn yêu cầu công ty tạm ngừng, không tiếp tục nhập khẩu và lưu hành thuốc trên. “Như vậy, từ thời điểm này Cục đã có quyết định không cho phép thuốc H-Capita bán ra thị trường và trong thực tế, không có một viên thuốc H-Capita nào được bán trên thị trường…” - thông cáo nêu.
Một tuần sau, Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) đã có công văn gửi Tổng cục An ninh II, Bộ Công an và các công văn gửi Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, gửi Bộ Y tế Canada, gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đề nghị phối hợp để xác minh, làm rõ các thông tin liên quan. Sau quá trình xác minh, Bộ Y tế đã chuyển toàn bộ thông tin cho Tổng cục An ninh II, Bộ Công an để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
“Theo đề nghị của cơ quan công an, Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) đã mời ông Nguyễn Minh Hùng và ông Nguyễn Mạnh Cường ra làm việc tại Cục Quản lý dược. Căn cứ vào dấu hiệu vi phạm, cơ quan công an đã thực hiện lệnh bắt tại chỗ” - thông cáo Bộ Y tế cho hay.
Bộ Y tế cũng khẳng định “trong quá trình trước và sau khi khởi tố, điều tra vụ án, các công chức của Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ đã chủ động đề nghị cơ quan chức năng tiến hành điều tra và đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu, ý kiến chuyên môn phục vụ điều tra nhằm đưa vụ gian lận về xuất xứ hàng hóa, làm giả hồ sơ ra ánh sáng”.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xử lý hành chính và khắc phục theo kiến nghị của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều chỉnh các quy định đối với cấp phép nhập khẩu, nhập khẩu thuốc để tránh xảy ra tình trạng trên.
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm Bộ Y tế
Trước các quan điểm đưa ra trong thông cáo trên, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng thông cáo báo chí hôm nay của Bộ Y tế có mâu thuẫn. “Tại sao chính Cục Quản lý dược cấp giấy phép rồi sau đó mới phát hiện giấy tờ nghi vấn, cho kiểm tra và đề nghị dừng?” - ông Vân đặt vấn đề.
Còn ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Xã hội của QH, nêu quan điểm việc Công ty VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả để chữa bệnh là một tội ác. Hành vi phạm tội buôn bán hàng giả đã rõ. “Đây là vụ việc gây bất bình trong nhân dân, đáng lý phải xử tội hàng giả thì lại xử tội buôn lậu. Vì vậy, các cơ quan tố tụng phải điều tra làm rõ các vấn đề bị cáo khai trước tòa. Nếu có sai phạm phải truy cứu trách nhiệm người có liên quan đến việc thẩm định cấp phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư không nguồn gốc, giả nhãn hiệu...” - ông Nhưỡng nói.
ĐB Nhưỡng cũng cho rằng cần làm rõ vấn đề vì sao công ty trúng thầu liên tục; hồ sơ năng lực thế nào; những cá nhân, đơn vị nào tiếp tay cho Công ty VN Pharma để lô thuốc giả được cấp phép nhập. Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, phải làm thật rõ các ngóc ngách còn khuất của vụ án, vì nếu không thì sai chồng sai dẫn đến vi phạm pháp luật. “Đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cần được công khai để cơ quan chức năng giám sát quá trình thanh tra, kiểm tra công ty này” - ĐB Nhưỡng kiến nghị.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM chiều 29-8, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, nguyên Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, nguyên Cục phó Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), nhận định: “Các hành vi phạm tội của VN Pharma không thể là tội buôn lậu, bởi hành vi buôn lậu là lén lút vận chuyển qua biên giới. Còn ở đây, Công ty VN Pharma được chính Cục Quản lý dược Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc chữa ung thư đi bằng đường chính ngạch, có tờ khai hải quan đầy đủ”.
Vì vậy, tướng Mạ cho rằng phải xem xét hành vi của Công ty VN Pharma và đơn vị cấp phép là hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, cụ thể ở đây là thuốc chữa ung thư. “Thuốc giả, không nguồn gốc, xuất xứ, vậy mà Cục Quản lý dược vẫn cấp phép cho nhập vào là vô cùng nguy hiểm. Người bệnh nếu uống phải thuốc giả sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Với các hành vi liên quan đến hàng loạt hành vi giả mạo thuốc, giấy tờ nguồn gốc lô thuốc đã thể hiện rõ đó là hành vi trục lợi, cố ý gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Vụ việc đã được Thủ tướng chỉ đạo nên các cơ quan tố tụng cần xem xét khởi tố, truy tố, xét xử đúng tội danh ở cấp phúc thẩm. Đây là trách nhiệm thực thi đúng pháp luật của các cơ quan tố tụng” - tướng Mạ nói.