Vụ sập giàn giáo: Ngẫm về quyền được từ chối

Google News

(Kiến Thức) - Trong vụ sập giàn giáo, giá như người quản lý kia biết lắng nghe, thấy công nhân hoảng sợ thì phải tìm hiểu nguyên nhân, cho ngừng công việc... 

Vu sap gian giao: Ngam ve quyen duoc tu choi
 
Vụ sập giàn giáo làm chết 13 công nhân tại khu công nghiệp Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) là một tai nạn đau xót và đáng tiếc nhất từ trước tới nay. Đáng tiếc vì tai nạn đã được báo trước mà không tránh được. Những công nhân này đã phát hiện ra nguy hiểm vì thấy giàn giáo rung lắc, đã 2 lần bỏ chạy nhưng chỉ vì nghe lệnh quản đốc và tổ trưởng mà họ phải quay lại. Giá như người quản lý kia biết lắng nghe, thấy công nhân hoảng sợ thì phải tìm hiểu nguyên nhân, cho ngừng công việc... 
Giá như những người công nhân thấy nguy hiểm thì phải kiên quyết không tiếp tục làm việc, phải bỏ chạy... Một điều hiển nhiên đến thế, mà sao họ không làm? Có điều gì quý giá hơn sự sống của chính bản thân mình hay sao? Những câu hỏi và những điều giá như đầy ân hận... 
Cũng lại cùng thời gian đó xảy ra vụ ngộ độc tập thể tại một công ty. Nghe chị công nhân nói, lúc ăn đã thấy cơm có mùi thiu! Tôi không thể hiểu được, tại sao thấy mùi thiu rồi mà họ vẫn cứ ăn, để đến nỗi bị ngộ độc như thế? Tại sao không biết từ chối những thứ có thể gây hại cho mình?
Từ hai vụ việc trên có thể thấy dường như những người công nhân ấy không có được cả cái quyền có quyền từ chối làm những điều có thể gây nguy hiểm cho bản thân mình. Họ đã không biết cách tự bảo vệ mình.
Thế nhưng, tôi biết suy nghĩ theo cách đó là tôi đã đứng trên quan điểm của một người chưa phải là giàu nhưng ít nhất là cũng đủ ăn, không phải lo ngày mai gạo có còn không, con ốm không phải lo hết tiền mua thuốc, đến cuối tháng chưa phải đi vay tiền đóng học phí cho con... Tức là tôi có quyền từ chối không ăn bát cơm thiu kia, từ chối không làm khi giàn giáo rung, thậm chí sẵn sàng bỏ việc nếu quản lý bắt làm trên cái giàn giáo nguy hiểm ấy, vì dù có mất cái công việc ấy, tôi vẫn không phải lo mai biết lấy gì mà ăn.
Nhưng còn có những người không có quyền lựa chọn như thế. Nếu họ từ chối không làm, có thể họ sẽ bị đuổi việc, ngày mai vợ con họ biết lấy gì ăn, lấy tiền đâu trả tiền nhà, lấy gì mà sống... Thế nên biết là nguy hiểm, họ vẫn cứ phải làm. Và những người phải bất chấp nguy hiểm ấy không phải là ít. Đó mới là điều đau xót và đáng để cho chúng ta phải suy nghĩ.
Minh Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)