Mới đây, nguồn tin xác nhận, Cơ quan điều tra hình sự khu vực 3, Quân chủng Phòng không - không quân đã khởi tố, cho tại ngoại Huỳnh Thị Kim Hằng (34 tuổi, phường Mỹ Bình, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) và Phạm Văn Võ (50 tuổi, Bình Dương) để điều tra về hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.
Bị can Huỳnh Thị Kim Hằng là vợ của cựu quân nhân Hoàng Văn Minh (36 tuổi, thiếu tá, trợ lý tài chính thuộc Trung đoàn 937, Sư đoàn 370), Phạm Văn Võ là chú của bị can Minh.
|
Hình ảnh thực nghiệm hiện trường vụ tai nạn. |
Hoàng Văn Minh bị Cơ quan điều tra hình sự khu vực 3, Quân chủng Phòng không - không quân đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam ngày 11/8 do liên quan đến vụ tai nạn khiến nữ sinh lớp 12 Hồ Hoàng Anh (SN 2004) tử vong xảy ra sáng 28/6 từng gây xôn xao dư luận.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa cựu thiếu tá quân đội với em nữ sinh ở Ninh Thuận có nhiều điểm mâu thuẫn, thông tin ban đầu rất bất thường nên dư luận quan tâm và cơ quan chức năng đã từng bước làm sáng tỏ vụ án.
Việc cơ quan điều tra khởi tố tội khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật với 2 bị can là vợ và chú của cựu quân nhân này là vấn đề đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước khi có những thông tin về nồng độ cồn của nạn nhân có dấu hiệu giả mạo, sai lệch.
Theo luật sư Cường, trước khi Minh bị khởi tố điều tra theo Điều 260 Bộ luật Hình sự, thông tin về kết quả đo nồng độ cồn của nữ sinh không khớp với thời gian sự việc, mâu thuẫn với nhiều tình tiết của vụ án. Đáng chú ý, thông tin được đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận nghi ngờ và không khỏi bức xúc.
Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ có hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật nên tiếp tục khởi tố theo Điều 382 Bộ luật Hình sự để xử lý đối với các cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, người thực hiện hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; Trường hợp hành vi được xác định là: "có tổ chức" hoặc "dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch" thì có thể bị phạt tù từ 1 năm đếm 3 năm;
Nếu hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật mà khiến dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm thì người vi phạm có thể đối mặt với hình phạt tới 7 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định tại điều 382, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.
Nếu có căn cứ cho thấy không chỉ là những thông tin do người làm chứng bịa ra, tài liệu do người làm chứng tự tạo lập lên mà còn có hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, người thực hiện hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự, còn người sử dụng tài liệu giả này để cung cấp cho cơ quan điều tra nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc để chối tội cho bị can thì có thể bị xử lý theo Điều 382 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ án này, làm rõ tài liệu giả mạo và việc làm ra tài liệu giả mạo, cung cấp tài liệu giả mạo này cho cơ quan chức năng được thực hiện như thế nào là yếu tố quan trọng để đánh giá hành vi phạm tội theo Điều 382 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, việc xác định hành vi là có tổ chức hay không và hậu quả đã dẫn đến việc sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc hay chưa, có dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người có tội hay không là những yếu tố quan trọng để quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Hình phạt cao nhất của tội danh này có thể đến 7 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tố tụng hình sự vẫn xảy ra. Trong đó, có thể kể đến là yếu tố "vị thân", nhiều người có chức vụ quyền hạn, được giao trọng trách trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nhưng đã không chí công vô tư, bị tác động bởi yếu tố vật chất hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật, nể nang tình cảm mà đã cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm hoạt động tư pháp.
Để giảm thiểu những hành vi như thế này, cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả.
Khoảng 8h10 sáng 28/6, Thiếu tá Hoàng Văn Minh điều khiển xe ôtô BKS 85A-074.01 chạy trên đường 16 tháng 4, phường Mỹ Bình, TP Phan Rang – Tháp Chàm.
Khi đến gần Chi nhánh Ngân hàng Vietinbank Ninh Thuận, ông Minh đánh lái xe ôtô rẽ vào ngân hàng thì xảy ra va chạm với xe máy BKS 85R9-1279 do cháu Hồ Hoàng Anh (SN 2004, trú ở 57/14 Nguyễn Thượng Hiền, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm), nữ sinh lớp 12TA Trường chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận chạy cùng chiều lề đường bên phải.
Sau cú va chạm, nạn nhân Hồ Hoàng Anh ngã xuống mặt đường, va đập vào trụ điện. Dù đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu nhưng nữ sinh bị tai nạn đã tử vong.
>>> Mời độc giả xem thêm video Truy tìm tài xế gây tai nạn giao thông: