Ngày 21/2 vừa qua, trên đường từ di chuyển về Quảng Ninh, chiếc xe khách giường nằm bất ngờ phát nổ trên quốc lộ 18 đoạn qua huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Vụ nổ xe làm 2 hành khách trên xe chết tại chỗ, 14 người khách bị thương.
Công an tỉnh Bắc Ninh xác định, nguyên nhân dẫn tới vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh là do xe có vật liệu nổ và đã khởi tố vụ án vận chuyển trái phép vật liệu nổ. Liên quan đến vụ nổ xe khách, nhiều người đặt câu hỏi, “ai sẽ là người chịu trách nhiệm đền bù, chủ xe hay công ty bảo hiểm?”
|
Hiện trường vụ nổ xe khách khiến 16 người thương vong. |
Trao đổi với PV về câu hỏi trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết: Khi hành khách lên xe để di chuyển, tức là đã phát sinh hợp đồng vận chuyển hành khách giữa chủ sở hữu xe và khách hàng. Hợp đồng này có thể giao kết bằng lời nói, hành vi hoặc văn bản nên dù hàng khách có vé hay không thì quan hệ này vẫn được pháp luật ghi nhận và tôn trọng.
Theo luật sư Tuấn Anh, trong vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh, cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân vụ nổ là do vật liệu nổ. Theo quy định, vật liệu nổ là nguồn nguy hiểm cao độ vì vậy việc bồi thường sẽ căn cứ theo quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong Bộ luật Dân sự 2015.
“Trong trường hợp, cơ quan điều tra xác định, chủ sở hữu xe khách (nhà xe) đã nhận vận chuyển số hàng hóa tình nghi vật liệu nổ (nguyên nhân dẫn đến vụ nổ) thì tại thời điểm đó, chủ xe được coi là người chiếm hữu số hàng trên.
Dù là hàng hóa được gửi theo hình thức vận chuyển hàng hóa hay hành lý được hành khách kèm theo thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn thuộc về chủ sở hữu xe.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra" ghi rõ, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
|
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thăm hành khách nhập viện sau vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh tối 21/2. |
Theo luật sư Tuấn Anh, theo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe. Như vậy, nếu nhà xe thực hiện đúng quy định thì thiệt hại của hành khách trên xe sẽ được bảo hiểm chi trả ngoài trừ một số trường hợp như hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; nguyên nhân do chiến tranh, khủng bố, động đất…
“Trong trường hợp hồ sơ vụ việc cho thấy, vụ cháy xe thuộc các trường hợp được thanh toán bảo hiểm thì chủ xe khách vẫn có trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại trước cho các nạn nhân. Sau đó, chủ xe sẽ làm thủ tục nhận chi trả bảo hiểm từ bên bán bảo hiểm.
Trường hợp nhà xe không mua bảo hiểm thì phải chịu toàn bộ các chi phí bồi thường cho các nạn nhân”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý), cho rằng, để xác định ai bồi thường cần phải làm rõ nguyên nhân vụ nổ, ai gây ra vụ nổ.
"Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định vật liệu gây nổ nằm trong hành lý của hành khách hoặc trong hàng hóa nhà xe nhận vận chuyển thì nhà xe sẽ chịu trách nhiệm bồi thường trước. Sau đó, nhà xe sẽ yêu cầu bên bán bảo hiểm thanh toán nếu vụ nổ thuộc các trường hợp được thanh toán.
Trường hợp cơ quan điều tra xác định, lái xe và nhân viên phụ xe lợi dụng công việc đưa chất nổ lên xe thì ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự họ phải liên đới bồi thường cho nạn nhân.
Dù vậy, việc bồi thường trực tiếp cho nạn nhân vẫn do chủ xe thực hiện bởi quan hệ hợp đồng vận chuyển là giữa khách với nhà xe, không phải lái xe hay phụ xe", luật sư Kiên nói.
Luật sư Kiên cho biết, việc bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ nổ xe khách sẽ được áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để tính mức bồi thường. Các nạn nhân sẽ được yêu cầu bồi thường toàn bộ đối với các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và cả mặt tinh thần.