Các hộ nuôi heo cho biết, lo sợ dịch bệnh lây nhiễm nên khi nghe cán bộ thú y thông báo có vắc xin dịch tả heo Châu Phi bà con liền đăng ký mua tiêm cho đàn heo. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC thì hàng loạt heo đã bỏ ăn, sốt, xuất huyết dưới da, yếu dần… rồi chết.
Quyền Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Long cho biết, từ đầu tháng 7/2022 đến ngày 26/8, Công ty NAVETCO đã cung ứng 23.344 liều vắc xin tới 20 tỉnh, thành phố. Trong số đó, 4.494 liều để địa phương sử dụng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT; 17.750 liều cung ứng nhưng không có giám sát của cơ quan thú y, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ, hướng dẫn của Cục Thú y và 1.100 liều chưa sử dụng.
|
Vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất. |
Theo ông Nguyễn Văn Long, đến nay, những đàn lợn tiêm theo hướng dẫn của Cục Thú y đều phát triển tốt, với tỷ lệ chết sau tiêm khoảng 0,6%. Đây là tỷ lệ bình thường, tương tự như các vắc xin thú y khác.
Tuy nhiên, đã có sự cố xảy ra tại Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi khiến 743 con lợn chết sau tiêm, trong đó, Phú Yên nhiều nhất với 431 con, Bình Định 282 con và Quảng Ngãi 30 con, chết chiếm 4,2% trong tổng số lợn đã tiêm.
|
Một hộ nuôi heo ở Phú Yên rầu rĩ nhìn đàn heo yếu dần rồi chết sau khi tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC. |
Với địa phương xảy ra sự cố sau tiêm phòng, Cục Thú y đề nghị tạm dừng triển khai sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC để tập trung nguồn lực xử lý các vấn đề phát sinh. Đồng thời, thống kê chính xác số lượng, chủng loại lợn có phản ứng, chết sau tiêm phòng; thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, xử lý dịch bệnh theo quy định.
Cũng theo ông Long, nguyên nhân chủ quan khiến đàn lợn ở một số địa phương bị chết sau khi tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi được Đoàn công tác Bộ NN&PTNT xác định là do cung ứng, bán vắc xin trực tiếp cho thú y cơ sở và người chăn nuôi tự tiêm không đúng đối tượng chỉ định. Cụ thể, khuyến cáo của Công ty NAVETCO chỉ tiêm vắc xin cho lợn từ 8-10 tuần tuổi, nhưng người dân lại tiêm cho tất cả các loại lợn từ lợn nái, đực giống, lợn con theo mẹ....
Một lý do nữa, người chăn nuôi tự tiêm vắc xin nhưng không có sự giám sát của các cơ quan thú y và Công ty NAVETCO. Hệ thống thú y cơ sở và người chăn nuôi không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng, sử dụng chung kim tiêm, dẫn đến lây lan virus dịch tả lợn châu Phi thực địa trong quá trình tiêm. Điều này thể hiện ở việc lợn chết khu trú nhiều ở một số vùng. Cùng với đó, các bên liên quan chưa giám sát kỹ lợn sau tiêm để kịp thời có biện pháp xử lý.
|
Trước tình hình lợn chết sau tiêm vắc xin, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã yêu cầu tạm dừng tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC trên địa bàn. |
Nguyên nhân khách quan, theo ông Long có thể các đàn lợn đang bị nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi thực địa hoặc mầm bệnh nguy hiểm khác trước khi được tiêm phòng, nên khi tiêm vắc xin dẫn đến phản ứng mạnh hơn, gây chết, đặc biệt là đối với lợn có thể trạng ốm yếu, lợn không thuộc đối tượng sử dụng vắc xin. Thực tế, các đoàn công tác của Cục Thú y đã lấy mẫu bước đầu xét nghiệm và phát hiện có virus dịch tả lợn châu Phi thực địa, virus tai xanh, virus PCV2 (gây hội chứng còi cọc sau cai sữa) và một số mầm bệnh khác.
Ông Long cho biết, trước mắt, Công ty NAVETCO cam kết hỗ trợ 2 triệu đồng với lợn nái và lợn đực giống, 1 triệu đồng với lợn thịt bị chết sau tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC. Bên cạnh đó, Công ty cũng hỗ trợ miễn phí thuốc, chất bổ trợ để điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng những con lợn có phản ứng sau tiêm phòng. Sau khi có kết quả thống kê rà soát chính xác từ phía các địa phương và cơ quan chức năng sẽ có những tính toán hỗ trợ cụ thể hơn.
Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đề nghị các tỉnh, thành phố có sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc tổ chức giám sát sử dụng vắc xin, nhất là việc mở rộng đối tượng tiêm nhưng không có hướng dẫn sử dụng, không có giám sát của cơ quan thú y.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lợn chết đã được phù phép thành đặc sản như thế nào?