Vụ "chuyến bay giải cứu": Doanh nghiệp khai bị ép đưa hối lộ

Google News

Quá trình triển khai thực hiện, một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó... để ép doanh nghiệp phải gặp gỡ và đưa hối lộ.

Bắt đầu từ ngày 11/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành phố. Phiên tòa dự kiến kéo dài một tháng.
Trong ngày đầu tiên xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản cáo trạng dài 102 trang trong vụ án.
Trong số 54 bị cáo, có đến 21 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” với hơn 500 lần nhận tiền từ doanh nghiệp gần 165 tỷ đồng, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự NguyễnThị Hương Lan…và 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến công tác tổ chức chuyến bay, phạm tội “đưa hối lộ” với hơn 400 lần đưa tiền với tổng số hơn 226 tỷ đồng cho các quan chức.
Vu
Các bị cáo tại tòa. 
Không đưa tiền, bị gây khó khăn
Tại phần xét hỏi chiều 11/7, bị cáo Đào Minh Dương, cựu Chủ tịch Công ty Vijasun, khai nộp hồ sơ cho 4 Bộ và nộp tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Bị cáo thừa nhận việc đưa tiền cho các cá nhân để được cấp phép chuyến bay.
Theo lời khai của bị cáo Dương, quá trình cấp phép, ban đầu bị cáo không đưa tiền và bị gây khó khăn, bị từ chối cấp phép nhiều lần. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự đã gây khó dễ, ép phải đưa tiền. Ban đầu khi nhất quyết không đưa tiền, bị cáo đã bị đưa vào tình thế khó khăn cùng cực.
Sau đó, bị cáo Dương đến gặp Phạm Trung Kiên, khi đó là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Khi đó, ông Kiên yêu cầu muốn tổ chức chuyến bay thì phải nộp 150 triệu đồng mỗi chuyến, không có không được phê duyệt. Thậm chí khi đến gặp Kiên, bị cáo Dương đã chứng kiến cảnh Kiên quát trong phòng họp của Bộ Y tế: "Các anh nộp cho anh Tuấn (Vũ Anh Tuấn) bao nhiêu thì nộp cho tôi như thế". Do đó, bị cáo Dương đều nộp tiền cho bị cáo Kiên mỗi chuyến.
Dương cũng khai bị người ở Bộ GTVT gây khó khăn trong việc cấp phép chuyến bay. Cứ ngày mai bay thì hôm nay bị cáo mới được cấp phép bay. Trong khi đó, mỗi chuyến bay phải nộp cọc trước rất nhiều tiền.
Thời gian đầu, dù bị người ở Bộ Ngoại giao và Bộ GTVT gây khó khăn nhưng bị cáo nhất quyết không đưa tiền. Nhưng sau đó bị cáo nhận thức, nếu không đưa tiền thì khó có thể được cấp phép chuyến bay, nên cuối cùng bị cáo phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay. 
Cũng theo lời bị cáo Dương, khi gặp Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thì Tuấn bảo ''em không phải người ký, anh không nộp tiền thì sếp không ký'.
Bị cáo Dương thừa nhận tại tòa đã hai lần đưa tiền 1,1 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên và 1,6 tỷ cho Vũ Anh Tuấn và đưa tiền theo yêu cầu cho ông Vũ Ngọc Minh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola mỗi vé bay 3 triệu, tổng cộng 864 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty G19 Việt Nam) trình bày tại tòa, bị cáo liên hệ với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an. Ở Bộ Ngoại giao có gặp bị cáo Đỗ Hoàng Tùng; Bộ Y tế gặp bị cáo Kiên; còn ở Cục Xuất nhập cảnh thì gặp bị cáo Tuấn. Ngoài ra còn gặp Lưu Tuấn Dũng trong tình huống khác, không trao đổi công việc.
Trước tòa, bị cáo Dung Hạnh trình bày cá nhân bị cáo này không bị gây khó dễ trong việc xin cấp phép các chuyến bay. “Người bên Bộ Ngoại giao không có ai yêu cầu và từ chối quà bị cáo đưa, vì thế bị cáo liên lạc Hương Lan, Hoàng Tùng để mong đưa quà cảm ơn tới mọi người nhưng đều từ chối”, bị cáo Hạnh trình bày.
Những người được bị cáo Hạnh gửi tiền cảm ơn là bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng (2 lần), mỗi lần 300 triệu. Bị cáo Hạnh cũng đưa cho Kiên 1,2 tỷ đồng cùng với mục đích cảm ơn. “Bị cáo tham khảo thông tin bên ngoài, các công ty từng làm nói khi được cấp phép nên có quà cảm ơn cho mọi người”, bị cáo Hạnh nói.
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao 32 lần nhận hối lộ
Theo bản cáo trạng dài 102 trang được công bố tại tòa cho thấy, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.
Đáng chú ý, quá trình triển khai thực hiện một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Việc này đã tạo ra cơ chế "xin, cho" buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để "bôi trơn", đưa hối lộ... và để có chi phí “bôi trơn” khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, “vẽ” thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị cáo buộc 32 lần nhận hối lộ của 8 đại diện các doanh nghiệp, tổng số tiền 25 tỷ đồng, nhiều thứ ba trong số các bị cáo nhận hối lộ.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan nhậm chức Cục trưởng từ tháng 7/2021 và bị cáo buộc đã bắt đầu nhận hối lộ từ tháng 12/2020, khi bị cáo còn là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Trong công tác triển khai các chuyến bay giải cứu, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan khi đó là Cục trưởng, được giao quản lý, phụ trách toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay, trực tiếp báo cáo bị can Tô Anh Dũng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao duyệt, ký công văn đề xuất cho các doanh nghiệp thực hiện các “chuyến bay giải cứu”.
Đáng chú ý, quá trình thực hiện, bà Nguyễn Thị Hương Lan chủ yếu chỉ lựa chọn các doanh nghiệp được cấp trên chỉ định, do người thân nhờ hoặc doanh nghiệp đã chi tiền trước để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý.
Đối với các doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, bà Nguyễn Thị Hương Lan và nhiều thuộc cấp gây khó dễ bằng cách không đưa vào danh sách (dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép), thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay... Việc gây khó khăn này mục đích để ép doanh nghiệp phải gặp gỡ và đưa hối lộ mới đề xuất cấp phép. Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022 đã có 8 đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đưa tiền cho nữ cục trưởng để được cấp phép chuyến bay.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng là cấp trên của bà Nguyễn Thị Hương Lan được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự trước khi xin ý kiến của tổ công tác của 5 Bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, GTVT, Quốc phòng).
Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, biết vai trò của ông Dũng, 13 cá nhân đại diện cho nhiều doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề để được giải quyết thủ tục. Trong lần gặp đầu tiên, ông Dũng đồng ý với đại diện 13 doanh nghiệp về việc sẽ hỗ trợ, chỉ đạo cấp dưới tại Cục Lãnh sự làm thủ tục giúp cấp phép chuyến bay, tổ chức chuyến bay combo. Hai bên không thỏa thuận nhưng ông Dũng và các doanh nghiệp đều hiểu sẽ có "phần tiền cảm ơn".
Thực tế, đại diện doanh nghiệp đã chi tiền "cảm ơn" và ông Dũng đã nhiều lần nhận tiền hối lộ. Ông Dũng đã 8 lần nhận tiền của Mơ (8,5 tỷ đồng); 29 lần nhận tiền các doanh nghiệp khác tại phòng làm việc, nhà riêng, quán cà phê. Tổng cộng, ông Dũng nhận hối lộ 14,1 tỷ đồng và 320.000 USD.
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 42,6 tỷ
Trong số các bị cáo nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên có đến 253 lần nhận tiền hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỷ.
Theo cáo trạng, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế là người ký, duyệt các văn bản liên quan đến xét duyệt các chuyến bay giải cứu theo đề nghị của Bộ Ngoại giao. Thời điểm là Thư ký Thứ trưởng, Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình lên để ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo quy định, Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng tiếp nhận, đề xuất, xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao; chấp thuận cho các đoàn khách lẻ được về nước theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xin ý kiến về chuyến bay, ông Đỗ Xuân Tuyên sẽ phân công Cục Y tế dự phòng, trong đó, Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là đơn vị nghiên cứu đề xuất.
Khi có kết quả xử lý văn bản, Cục Y tế dự phòng duyệt dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng thông qua Phạm Trung Kiên. Và Kiên sẽ trình ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời các đơn vị liên quan.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân phải chi số tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng một chuyến bay, hoặc từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với khách bay combo, hoặc từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng một khách lẻ.
Với phương thức trên, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng. Sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, Phạm Trung Kiên đã chuyển khoản trả lại cho đại diện các doanh nghiệp số tiền hơn 12,2 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)