Vụ án giả danh thiếu tướng quân đội lừa 1.000 người lộ tẩy như thế nào?

Google News

Khoảng từ năm 2015, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội - Bộ Quốc phòng đã phát hiện một số đối tượng ở Hà Nội có dấu hiệu giả danh sỹ quan Quân đội để lừa đảo.

Đến tháng 2/2018, một số bị hại đã trình báo đã bị đối tượng Hoa Hữu Long, “Thiếu tướng” Quân đội, phụ trách Tập đoàn Đông Dương lừa đảo họ.
Cục Bảo vệ An ninh Quân đội xác định không có thiếu tướng, đại tá nào trong lực lượng quân đội có tên và ảnh như các bị hại trình báo về Hoa Hữu Long. Đồng thời xác định, không có đối tượng nào trong vụ án liên quan đến lực lượng Quân đội và Bộ Quốc phòng không có chủ trương thành lập Tập đoàn Đông Dương – S10.
Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, Cục Bảo vệ An ninh đã chuyển hồ sơ đến Công an TP Hà Nội để điều tra, làm rõ. Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo, giao cho Phòng An ninh kinh tế và cơ quan An ninh điều tra lập chuyên án đấu tranh, làm rõ các đối tượng lừa đảo.
Qua quá trình điều tra, cơ quan ANĐT xác định, vụ án lừa đảo này do Hoa Hữu Long (54 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cầm đầu.
Các đồng phạm khác gồm: Nguyễn Minh Sơn, 47 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy; Mạc Phúc Hải, 54 tuổi, trú tại quận Ba Đình; Cao Thị Kim Loan, 48 tuổi (vợ Long); Phùng Thị Thanh Huế, 40 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Vu an gia danh thieu tuong quan doi lua 1.000 nguoi lo tay nhu the nao?
 Đối tượng Hoa Hữu Long và vợ là Cao Thị Kim Loan.
Long từng tốt nghiệp Đại học Xây dựng, khi thực hiện hành vi lừa đảo đã tự xưng là thiếu tướng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Bộ Quốc phòng.
Tháng 5-2018, anh Đinh Anh T. (trú tại Hà Nội) đã có đơn trình báo đến cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội, tố cáo Long cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 110 triệu đồng của mình.
Anh Đinh Anh T. cho biết, cuối năm 2015, thông qua quan hệ bạn bè làm trong ngành Xây dựng, anh T. đã biết Hoa Hữu Long (54 tuổi). Long tự giới thiệu mình là Thiếu tướng Quân đội. Vừa nói, Long vừa mở điện thoại và cho anh T. xem về quyết định "thăng cấp hàm Thiếu tướng" của mình.
Đồng thời, Long khoe mẽ về các mối quan hệ với nhiều quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng. Sau một thời gian làm quen, Long "thủ thỉ" với anh T. về việc Bộ Quốc phòng có chủ trương cổ phần hóa một số đơn vị, thành lập mô hình hiệp quân và Long được giao tổ chức thành lập một đơn vị kinh tế có tên Tập đoàn Đông Dương (S10), Long là Tư lệnh tập đoàn này.
Long nói "Do tổ chức mới nên đang cần nhiều người. Tổ chức sẽ tuyển người và phong quân hàm luôn; và sẽ được hưởng lương của Quân đội".
Long mời anh T. tham gia vào tập đoàn này. Anh T. thầm nghĩ, Tập đoàn Đông Dương của Long nói cũng rất lớn và lại được vào biên chế trong lực lượng Quân đội nên đã đồng ý mà không một chút nghi ngờ.
Đến đầu năm 2016, Long nói với anh T., muốn được vào biên chế Quân đội thì phải đi học và nộp học phí lớp bồi dưỡng chính trị. Tin tưởng Long, anh T. đã 3 lần chuyển tiền cho Long, 1 lần chuyển tiền vào tài khoản của Cao Thị Kim Loan (là vợ của Long), 1 lần giao tiền trực tiếp cho Nguyễn Minh Sơn.
Đối với người có tên là Sơn, được giới thiệu là Phó Tư lệnh Tập đoàn S10, anh T. đã được Sơn nhiều lần bật điện thoại cho xem công văn, giấy tờ liên quan đến việc thành lập Tập đoàn S10. Anh T ngỏ ý muốn chụp lại các công văn, giấy tờ đó nhưng Sơn đều từ chối, nói "đây là tài liệu mật, không được thông tin rộng rãi".
Đến tháng 7-2017, sau rất nhiều lần đưa tiền cho nhóm của Long mà không được đi học theo lời Long hứa hẹn, qua mối quan hệ, anh T. đã tìm hiểu về Long và được biết, Long không phải là Thiếu tướng của Quân đội và Bộ Quốc phòng không có chủ trương thành lập Tập đoàn S10 nào cả. Anh T. biết mình bị lừa nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.
Một diễn biến liên quan đến vụ án này, vào khoảng tháng 10-2017, Công an huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) đã phát đi một thông báo cảnh báo đến nhân dân trên địa bàn huyện với nội dung: Gần đây nổi lên thủ đoạn có một nhóm đối tượng câu kết với nhau đưa ra các thông tin Bộ Quốc phòng có chủ trương “thay máu” các doanh nghiệp của Quân đội trên toàn quốc, sáp nhập một số công ty, ngân hàng của Quân đội thành Tập đoàn Đông Dương (gọi tắt S10).
Tập đoàn này có 9 tổng công ty, hiện nay tổng công ty đang có nhu cầu tuyển hàng nghìn người để bổ sung nhân lực, nếu người nào có nhu cầu thì đăng ký và phải bỏ ra từ 150 - 600 triệu đồng, sau đó sẽ được phong quân hàm sỹ quan, thấp nhất là thượng úy, cao nhất là đại tá, được bổ nhiệm chức vụ tương xứng.
Những người được tuyển vào phải khám sức khỏe tại Bệnh viện 108, được kết nạp Đảng. Riêng bảo hiểm xã hội thì không được chuyển từ ngành ngoài vào nên mỗi người phải nộp từ 7 - 10 triệu đồng để tập đoàn hợp thức hóa và sẽ được đi tập huấn tại Miếu Môn.
Sau khi nhận được đơn trình báo của một số bị hại, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác minh, khẳng định Bộ Quốc phòng không có doanh nghiệp nào mang tên Tập đoàn Đông Dương hoặc S10.
Tiến hành điều tra, xác minh ban đầu, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xác định có đối tượng Phạm Quang Thắng (42 tuổi), quê quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang trú tại khu tập thể Bưu điện ở ngõ Đỗ Quang, Khâm Thiên (Hà Nội), là người có liên quan đến nhóm đối tượng này.
Ngay cả anh em họ hàng của Thắng cũng đã có người tin lời đối tượng, đem tiền ra Hà Nội để xin cho con em vào Tập đoàn Đông Dương.
Hiện, cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đang tích cực phối hợp điều tra mở rộng, làm rõ một số hành vi đồng phạm của nhiều đối tượng khác trong vụ án này. Đặc biệt là đối tượng đã "giật dây" cho Long và các đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên.
Theo Minh Khoa – Trần Xuân/ Công an nhân dân online

>> xem thêm

Bình luận(0)