Chiều tối 19/10, con đường nhỏ rẽ vào Nhà thi đấu Đa năng tỉnh Quảng Trị đông đặc người dân địa phương và thân nhân chiến sĩ. Nơi đây được lựa chọn làm nhà tang lễ "dã chiến" cho 22 người thiệt mạng tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Chị Lê Thị Thúy dắt theo 2 con nhỏ đi từ Nghệ An vào Quảng Trị sau khi nghe tin chồng là trung úy Lê Cao Cường gặp nạn. Đứng ngóng từng đoàn xe chở thi hài đi qua, người vợ không ngừng gào khóc xin được vào nơi khâm niệm để tắm rửa cho chồng lần cuối.
|
Chị Thúy bật khóc khi thấy xe chở các thi thể từ Đoàn 337 về TP Đông Hà. Ảnh: Việt Hùng. |
"Anh vẫn còn tươi tắn như rứa mà. Đang ngủ đó chứ có cái gì khác mô. Mở mắt dậy nhìn mẹ con em đi anh ơi!", chị Thúy nức nở.
Lúc 8h30 ngày 18/10, trung úy Lê Cao Cường là nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi đống đổ nát. Trong 3 căn nhà bị đất đá ập vào, căn nhà nơi anh nằm ngủ bị thiệt hại nhẹ nhất nhưng vị trung úy vẫn không kịp thoát thân.
Thiếu úy Cao Văn Hậu, cán bộ lái xe của Phòng Chính trị (Đoàn 337), may mắn sống sót vì bùn đất chỉ tràn đến chân tòa nhà nơi anh nằm ngủ. Anh ngậm ngùi kể về người đồng đội: "Anh ấy có 2 con đều còn nhỏ, ở đơn vị là người rất hiền lành, hòa nhã, khi mô cũng nhớ về gia đình".
Những cán bộ của Đoàn 337 vài tháng mới được về thăm nhà một lần. Lần cuối trung úy Lê Cao Cường được về gặp vợ con là vào 2 tuần trước.
Bà Lương Thị Lý (mẹ binh nhất Lê Thế Linh) ngồi ở cổng nhà thi đấu Đông Hà khóc một mình. Chồng bà đi làm ở Vũng Tàu chưa về kịp. Ai hỏi, bà cũng nức nở kể về đứa con đẹp trai, hiếu thảo, về cuộc gọi cuối cùng trước khi tai họa xảy ra.
|
Bà Lương Thị Lý kể về người con trai vừa hy sinh. Ảnh: Việt Hùng. |
"Cháu ngoan ngoãn thiệt thà, đẹp trai lắm, cái ảnh cháu đây nì, tội lắm", người mẹ chiến sĩ giơ cho phóng viên xem bức di ảnh con trai mình. Linh là một trong 22 nạn nhân thiệt mạng do lở núi tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337.
"Tối hôm nọ, Linh vừa gọi về cho tôi. Tôi hỏi mưa gió thế này có đi cứu trợ bà con không. Cháu bảo đơn vị chuẩn bị đi rồi mẹ ạ. Tôi còn dặn là con có đi cứu trợ thì phải mang áo phao và cẩn thận con nhé", người mẹ ngậm ngùi.
Khi có người báo tin trên đơn vị có 22 người bị đất đá vùi lấp, bà Lý còn cự nự: "Con tôi nấu bếp mà". Người báo tin nói với bà: "Nấu bếp, lái xe đều bị cả, ai ở dãy nhà đó cũng bị hết". Người mẹ nghe tin xong thì rã rời tay chân, không còn biết gì nữa.
Đêm 17/7, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 trở về đơn vị sau cả ngày ứng cứu người dân bị sạt lở đất tại xã Hướng Việt cách đó 30 km. Chiếc xe chở lính vẫn đỗ trước sân, người tài xế còn hẹn đêm nay, dân bản kêu cứu là anh em lại lên đường.
Khoảng 2 giờ sau, chiếc xe chỉ còn là một khối sắt rúm ró, ngập dưới hàng tấn đất đá. 3 dãy nhà bị san phẳng. 22 chiến sĩ bị đè bên dưới các vách tường và hàng tấn đất đá.
"Sự việc xảy ra khi nhiều người đã ngủ say, chỉ có 2 người tỉnh táo nhất vào thời điểm đó là một chiến sĩ vừa hết ca gác và người thay cho anh ấy", anh Hậu nhớ lại.