Chiều 22/1, phiên tòa của TAND TP.HCM xử vụ sai phạm xảy ra tại ngân hàng: Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Sacombank và BIDV... với 46 bị cáo cùng bị quy buộc tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tiếp tục đến phần luật sư bảo vệ cho các bị cáo phản biện quan điểm của đại diện Viện kiểm sát (VKS).
“Truy cứu 46 bị cáo là đúng người, đúng tội”
Theo đại diện cơ quan công tố tại phiên tòa, qua chứng cứ, tài liệu và hồ sơ của cơ quan điều tra, cũng như diễn biến phiên tòa, cho thấy ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) và đồng phạm có nhiều hành vi sai phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng.
Cụ thể là do cần tiền cấu trúc Ngân hàng Đại Tín (tiền thân VNCB), ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 29 công ty do ông Danh thành lập, hoặc mượn pháp nhân, rồi lập hồ sơ khống, vay 3 ngân hàng gây thiệt hại trên 6.126 ỷ đồng. Dù các ngân hàng này đã thu hồi toàn bộ số tiền nợ từ VNCB, tuy nhiên hành vi của các cá nhân liên quan 3 đã cấu thành tội “Cố ý làm trái…”.
Đại diện VKS tại tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt hai nguyên chủ tịch ngân hàng là ông Phạm Công Danh 20 năm tù (tổng hợp cả bản án phúc thẩm hình sự trước đó là 30 năm tù), ông Trầm Bê từ 5-6 năm tù; Hai cựu tổng giám đốc ngân hàng là bị cáo Phan Huy Khang (Saconbank) bị đề nghị 4-5 năm tù, Phan Thành Mai (VNCB) 13-15 năm tù. 42 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2-5 năm tù cho hưởng án treo, đến 7 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKS kiến nghị HĐXX tuyên buộc TPbank, BIDV và Sacombank hoàn trả cho VNCB trên 6.100 tỷ đồng; Buộc ông Phạm Công Danh và các bị cáo bồi thường cho 3 ngân hàng này số tiền 6.100 tỷ đồng. VKS cũng Kiến nghị HĐXX tuyên giải tỏa niêm phong hai căn nhà liên quan tới ông Trầm Bê nhưng không phải tài sản thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.
Ngoài ra, VKS cũng kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao xử lý các cá nhân liên quan tới việc cho vay tại ngân hàng BIDV, Sacombank... vì theo VKS, nếu không có hành vi sai phạm của các cá nhân này thì ông Phạm Công Danh không thể vay tiền rồi dẫn đến thiệt hại cho VNCB trên 6.100 tỷ đồng được.
|
Phạm Công Danh. Ảnh: Tuổi trẻ |
Luật sư Phan Trung Hoài nêu 3 kiến nghị
Ngay sau khi VKS nêu xong quan điểm luận tội, HĐXX cho luật sư bào chữa cho các bị cáo phản biện lại quan điểm luận tội của VKS.
Bào chữa cho ông Phạm Công Danh, Luật sư Phan Trung Hoài (phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam, Đoàn Ls P.HCM), được HĐXX mời tham gia phản biện đầu tiên.
Theo vị luật sư, đại diện VKS đã đề nghị mức án và mức án này được tổng hợp hình phạt với các bản án trước đó không làm thay đổi số phận pháp lý của ông Phạm Công Danh, nhưng thực chất cái gọi là “giai đoạn 2” của vụ án VNCB liên quan đến 3 Ngân hàng nên không hề tách rời “giai đoạn 1” vụ án VNCB.
Việc tách vụ án hình sự theo Quyết định tách vụ án hình sự số 04 ngày 11/3/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) liên quan đến 3 Ngân hàng trong vụ án này thành giai đoạn 2 của vụ án VNCB do không thể hoàn thành sớm việc điều tra theo Khoản 2 Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên, việc tách vụ án này đã gây bất lợi cho ông Phạm Công Danh do cùng tội danh “Cố ý làm trái…” nhưng bị xử lý và tuyên phạt mức án tù trong 2 vụ án khác nhau.
Cũng theo vị luật sư, HĐXX khi tuyên án cần nhìn nhận hành vi sai phạm, căn cứ nguyên nhân, bối cảnh, bản chất hành vi của ông Phạm Công Danh. Xem xét các tình tiết giảm nhẹ do ông Danh thành khẩn khai báo, khả năng và thực tế khắc phục hậu quả. Đáng lưu ý là LS cũng kiến nghị HĐXX có quyết định thu hồi các khoản tiền bị coi là chiếm hưởng, sử dụng bất hợp pháp từ các tổ chức và cá nhân, nhằm đưa vào khắc phục hậu quả vụ án.
Kết thúc bài bào chữa, Luật sư Hoài “Đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Phạm Công Danh và các cá nhân có liên quan tại VNCB”.