Việt Nam trúng cử HĐBA LHQ: Vị thế, uy tín càng cao trên trường quốc tế

Google News

(Kiến Thức) - Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vào ngày 7/6/2019 (11h10 theo giờ New York, Mỹ), tại cuộc bầu cử ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại thành phố New York, Mỹ, Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối là 192/193.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử cương vị này. Cách đây 10 năm, Việt Nam lần đầu tiên được tín nhiệm làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là vào nhiệm kỳ 2008-2009. Tại nhiệm kỳ này, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong Hội đồng Bảo an, trong đó có việc ủng hộ một nghị quyết có tính lịch sử của Liên Hợp Quốc- Nghị quyết về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Hội đồng Bảo an được xem là cơ quan quan trọng nhất trong 6 cơ quan hoạt động của Liên Hợp Quốc dù về lý thuyết, không có sự phân biệt về tầm quan trọng trong vai trò giữa các cơ quan này. Bởi Hội đồng Bảo an có vai trò giải quyết các xung đột và khủng hoảng có thể tạo thành mối đe dọa với hòa bình, an ninh quốc tế. Có thể đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc, đơn cử là các nghị quyết trừng phạt.
Viet Nam trung cu HDBA LHQ: Vi the, uy tin cang cao tren truong quoc te
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: NAOC. 
Do vậy, việc Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế và ngày càng chứng minh Việt Nam là thành viên có đóng góp tích cực trong các hoạt động chung của Liên Hợp Quốc.
Mới đây, trong thông điệp “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta”.
Thực tế đã chứng minh từ khi tham gia Liên Hợp Quốc (1977) đến nay, Việt Nam ngày càng trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với các hoạt động chung của tổ chức này.
Đồng thời, Việt Nam đã chứng tỏ vai trò của mình khi tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình như việc năm 2018, Việt Nam đã cử 63 sĩ quan tham gia Bệnh viện dã chiến cấp II ở Sudan. Vào tháng 2/2019 vừa qua, Việt Nam đã được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 nối tiếp hàng loạt những sự kiện quốc tế lớn nhỏ, trong đó cũng kể tới kỳ APEC năm 2017 ở Đà Nẵng thể hiện sự tin cậy và an tâm của các đối tác.
Từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết về giá trị của hòa bình. Bởi vậy khi tham vào các lực lượng gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã gửi gắm niềm tin vào một thế giới tốt đẹp hơn, mọi quốc gia đều có thể là xóa bỏ đối đầu, xung đột để trở thành bạn bè, đối tác tin cậy.
Việc Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đã minh chứng cho những nỗ lực đối ngoại đa phương của các Đảng, Nhà nước đến các Bộ, ban, ngành. Không chỉ mở ra cơ hội giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong ngoại giao trong thời gian tới mà còn kỳ vọng sẽ thúc đẩy vai trò và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.
Như lời ông Brian Harding, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington D.C., Mỹ khi trao đổi với báo chí đã nói: "Nếu Việt Nam giành được ghế HĐBA, đây sẽ là bằng chứng khác cho thấy lợi ích và khả năng của Việt Nam trong việc can dự vào các vấn đề có tầm quan trọng khu vực cũng như toàn cầu".
Hay như, tác giả James Borton trong bài viết trên Geopolitical Monitor đã nói rằng: “Với tư cách ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng của mình tại ASEAN, thúc đẩy ngoại giao mềm và nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên trì theo đuổi con đường hội nhập quốc tế. Chiếc ghế tại HĐBA đặt Hà Nội ở vị trí cao nhất về hội nhập quốc tế".
Đáng chú ý, năm 2020, Việt Nam sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020. Nếu cùng lúc đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam sẽ có cơ hội để thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của mình tại khu vực.
Nói như ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đây là vị thế đặc biệt “độc nhất vô nhị”, vì hiếm có khi một quốc gia vừa là thành viên Hội đồng Bảo an, vừa là Chủ tịch một tổ chức quốc tế khu vực như ASEAN.
Hơn nữa, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait đại diện nhóm châu Á- Thái Bình Dương và theo cơ chế luân phiên, Việt Nam sẽ là chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ ngay trong tháng 1/2020.
Rõ ràng, Việc tham gia Hội đồng Bảo an - Liên Hợp Quốc sẽ khiến tiếng nói, lập trường và các phát biểu của Việt Nam có ý nghĩa khác hẳn so với khi không nằm trong Hội đồng Bảo an. Đây là cơ hội lớn để chúng ta thúc đẩy quan điểm, lập trường của Việt Nam, đóng góp vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh những vinh dự, cơ hội lớn lao khi trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã viết rằng: “Trách nhiệm hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó”.
Với quyết tâm mới, khí thế mới, với niềm tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, với nỗ lực và sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng của các cấp, các bộ, ban, ngành và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, xứng đáng là đối tác tin cậy vì hoà bình bền vững.
“Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong thông điệp “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)