Sáng 8/11, tại Kỳ họp thứ 4, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí đã có báo cáo trước Quốc hội công tác năm 2022.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, năm 2022 tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên trong lĩnh vực trật tự xã hội đã xảy ra một số vụ án giết người thân, giết nhiều người; tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" xuất hiện những thủ đoạn phạm tội mới có sử dụng công nghệ thông tin gây tác động trên phạm vi rộng.
|
Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí. Ảnh: QH. |
Tội phạm kinh tế nổi lên các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tài chính, y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh...
Toàn ngành kiểm sát đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, nhất là đối với một số loại tội phạm mới phát hiện khởi tố, điều tra liên quan tới thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, tội phạm tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao,...
Điều đáng nói, theo ông Trí, quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, vẫn còn một số bất cập.
Về công tác chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, ông Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội đã yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm; gắn công tác xây dựng đơn vị, xây dựng ngành với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chú trọng việc lựa chọn người đứng đầu các cấp Kiểm sát đảm bảo "chọn người theo việc", có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức, chính trị.
Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo tập trung kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, "trọng chứng hơn trọng cung", "án tại hồ sơ", không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đấy. Cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả (theo quy định của pháp luật).
Đặc biệt, Viện trưởng Lê Minh Trí đề xuất xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức.
“Để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm", Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị.
Thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận thấy, năm 2022, nhiều biện pháp được thực hiện đạt kết quả tích cực hơn so với năm 2021 như: Số cuộc kiểm sát trực tiếp tăng 23,2%; số kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm tăng so với năm 2021.
VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện, huỷ bỏ nhiều quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra; ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và được tiếp thu, thực hiện vượt 19,4% chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, vẫn còn 20 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố liên quan đến trách nhiệm của VKSND do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Mời quý độc giả xem video "Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) nói về việc Thanh tra Chính phủ chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ của 7 bộ ngành để xác minh tài sản". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.