Đại biểu Quốc hội: Phải đổi mới, biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh

Google News

Sáng 22/10, trong phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội cho rằng, cần phải có sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa.

Lai căng, lệch chuẩn, sính ngoại, tuỳ tiện trong việc sử dụng ngôn ngữ
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, ông đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, đặc biệt là nội dung về văn hoá (có tới 27 dòng dành cho văn hoá). Điều này thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt đối với văn hoá như là hệ điều tiết đối với phát triển đất nước hiện nay.
Dai bieu Quoc hoi: Phai doi moi, bien van hoa thanh suc manh noi sinh
Đại biểu Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Mai Loan. 
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện, trong đó, cần có sự đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn về phát triển văn hoá.
“Chúng ta đã có thành công nhờ Đổi mới chính trị, Đổi mới kinh tế, giờ đây là lúc chúng ta thực sự rất cần một cuộc Đổi mới trong lĩnh vực văn hoá, biến văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, văn hóa là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, hiện đang có nhiều vấn đề lộn xộn liên quan đến văn hóa. Cụ thể, có hai vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất, những vấn đề nhức nhối về văn hoá nhiều khi lại không hoàn toàn từ chính văn hoá, mà bắt nguồn từ chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ hay hội nhập quốc tế. Vì vậy, giải quyết vấn đề về văn hoá, đạo đức xã hội cần giải pháp tổng thể, cần sự chung tay chung sức của các cấp, các ngành, các địa phương, không chỉ để ngành văn hoá đơn thương, độc mã trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn, giờ là lúc chúng ta bắt tay hành động nhiều hơn.
Thứ hai, về ngôn ngữ tiếng Việt đang trải qua một giai đoạn biến đổi hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến sự trong sáng của tiếng Việt và bầu không khí trong lành của văn hoá.
Chúng ta vẫn biết rằng ngôn ngữ còn, dân tộc còn, ngôn ngữ mất, dân tộc mất. Cách đây 56 năm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát động phong trào giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Giờ đây sự trong sáng ấy không những không được cải thiện mà còn có nguy cơ bị vẩn đục nhiều hơn.
Sự lai căng, lệch chuẩn, sính ngoại, tuỳ tiện trong việc sử dụng ngôn ngữ, trong đó có cả ở các phương tiện truyền thông, khiến cho ngôn ngữ gặp nguy hiểm, vừa là biểu hiện vừa là nguyên nhân của sự xuống cấp văn hoá và đạo đức xã hội.
“Nhiều khi những nghệ sĩ có ảnh hưởng công chúng lại toàn nói kiểu “enjoy cái moment này” thì làm sao có thể tạo ra mong muốn của chúng ta về giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ Tiếng Việt được. Chính vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn để trả lại sự trong sáng của tiếng Việt, từ đó mới giữ gìn, phát triển cho văn hoá”, ông Sơn nêu ý kiến.
Cán bộ làm văn hóa phải được đào tạo
Cũng nêu ý kiến về vấn đề văn hóa, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, trong bối cảnh hội nhập với thế giới, việc giữ gìn bản sắc của nền văn hóa càng phải được coi trọng. Hòa thượng đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đối với ngành văn hóa.
Trong đó, việc đào tạo con người làm văn hóa phải được chú trọng. Muốn bảo toàn được văn hóa vật thể, công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích danh lam thắng cảnh duy tu, bảo tồn… thì phải có con người “học thực thi thực nhân tài thực”. Chứ không có cán bộ làm ở ngành khác, làm không tốt thì cho chuyển về làm văn hóa. Tức là coi văn hóa chỉ là để tuyên truyền thì không nên.
Dai bieu Quoc hoi: Phai doi moi, bien van hoa thanh suc manh noi sinh-Hinh-2
 Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm. Ảnh: Mai Loan.
“Chúng tôi đề nghị phải có lớp chuyên ngành dành cho văn hóa. Đặc biệt là lớp về Luật Di sản văn hóa. Đề nghị ngành văn hóa được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Ngành văn hóa có kế hoạch, chiến lược để triển khai, bảo quản, duy tu trong việc bảo vệ di sản, di tích”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, hiện nay, những người bảo quản di tích không được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ di tích. Từ đó dẫn tới hiện tượng, cứ thấy cái mới thì cho là đẹp hơn.
Chẳng hạn, thấy một pho tượng long tróc hỏng sơn thì cho rằng đó là không tôn kính và không đẹp bằng cái sơn son thếp vàng.
“Thế là phá ngay lập tức và mới có câu chuyện di tích nghìn tuổi trở thành di tích 1 tuổi. Nguyên nhân là là do không được học”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Để bảo tồn được di sản, di tích, cũng cần phải nâng cao hiểu biết của các tầng lớp nhân dân. Để tránh việc “khích bác”, gây áp lực với người quản lý di tích, như: “chùa kia xây đẹp, mới như vậy, chùa nhà mình lại lem nhem”...
Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, gần đây có nhiều vụ việc đau lòng liên quan tới văn hóa. Ví dụ, vừa rồi có vụ việc nữ sinh lớp 12 mạt sát thầy giáo trên lớp, xưng mày - tao… Những vấn đề bạo lực học đường, văn hóa ứng xử… thuộc về toàn dân, không chỉ là của Bộ GD&ĐT.
Phải khôi phục văn hóa phi vật thể, những truyền thống, nề nếp của con người Việt mà ông cha, tổ tiên đã dạy. Phải quán triệt tới từng gia đình thì mới bảo vệ được văn hóa của chúng ta.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội thảo luận tổ dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đoàn Quốc hội TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố. Đây là phiên họp tổ đầu tiên của đoàn Quốc hội Hà Nội tại kỳ họp này. Đoàn Quốc hội Hà Nội có 31 đại biểu, được đánh giá đông về số lượng, và có chất lượng thảo luận tốt, với nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, có tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao.

Mời quý độc giả xem video: "Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ Phát Biểu Khai Mạc Kỳ Họp Thứ 2, Quốc Hội Khóa XV". Nguồn: VNEWS


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)