Liên quan vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, trong bản kết luận điều tra số 73 ngày 31/8 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, bị can Phạm Thị Phương Anh - cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone bị bắt tạm giam ngày 13/11/2018 đến ngày 26/8/2019 thì thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang bảo lĩnh.
Kết luận điều tra cho biết, bị can Phạm Thị Phương Anh - nguyên Phó Tổng giám đốc MobiFone khai rằng, được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ giúp việc, bị can đã chỉ đạo các thành viên trong tổ đánh giá tình hình tài chính của AVG, làm việc với các công ty tư vấn, thẩm định giá để xác định giá trị AVG.
Khi tham gia xây dựng dự án, Phương Anh nắm rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, hiệu quả kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần của AVG chênh lệch lớn so với giá trị thể hiện trên sổ sách kế toán.
|
Hơn 9 tháng sau khi bị bắt tạm giam, ngày 26/8/2019, bị can Phạm Thị Phương Anh - nữ cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone bất ngờ được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang bảo lĩnh. |
Được Tổng giám đốc giao nhiệm vụ ký, thực hiện nghiệm thu hợp đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG với AMAX, Phương Anh biết rõ việc MobiFone bàn giao cho AMAX bản phụ lục số 2 của VSBC cung cấp riêng cho MobiFone là không được phép của VSBC.
Khi nghiệm thu kết quả xác định giá trị doanh nghiệp AVG của AMAX là 16.565 tỷ đồng, Phương Anh cũng biết việc AMAX xác định giá trị tài sản vô hình không được hạch toán vào sổ sách, kế toán của AVG với giá 13.448 tỷ đồng, bao gồm cả 4 giấy phép kênh tần số. Lúc này, Phương Anh đã đề nghị Tổng Giám đốc xem xét, sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp AVG của AMAX làm mức giá đàm phán khi mua cổ phần AVG.
Phạm Thị Phương Anh đã cùng Ban Tài Chính, Ban Kế toán đề xuất tỉ lệ chuyển đổi mua cổ phần 90,1%, tiến hành đánh giá tình hình tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án mua cổ phần AVG, dự kiến nguồn vốn thực hiện dự án để báo cáo Tổng Giám đốc trình Hội đồng thành viên xem xét.
Ngoài ra, Phương Anh chỉ đạo Ban Tài Chính thu xếp nguồn vốn thực hiện dự án theo phân công của Hội đồng thành viên, tiến hành đàm phán các điều khoản nêu trong hợp đồng, thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG, ký các lệnh, ủy nhiệm chi chuyển tiền cho các cổ đông AVG sau khi Bộ TT&TT phê duyệt đầu tư dự án.
Với hành vi vi phạm như trên, bị can Phạm Thị Phương Anh bị khởi tố hồi tháng 11/2018, về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3, điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trước đó, Phạm Thị Phương Anh cũng bị Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do thiếu trách nhiệm trong đàm phán và thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với nhóm cổ đông AVG khiến cho MobiFone bị thiệt hại.
Theo quy định tại Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự do người có thẩm quyền áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam dối với bị can, bị cáo. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn tạm giữ, tạm giam, được áp dụng trong trường hợp không cần thiết phải tạm giam, nhưng thấy cần phải ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.
Khi quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của họ. Đối tượng được áp dụng biện pháp này thường là bị can, bị cáo phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ khai báo thành khẩn hoặc bị can, bị cáo ốm đau.
Hai dạng bảo lĩnh: tổ chức bảo lĩnh và cá nhân bảo lĩnh. Cụ thể, cá nhân nhận bảo lĩnh: Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh; Trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh là người thân thích của bị can, bị cáo thì phải có từ hai người trở lên; Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Tổ chức nhận bảo lĩnh: phải thỏa mãn điều kiện là người được bảo lĩnh (bị can, bị cáo) phải là thành viên của tổ chức đó. Nếu là chính quyền địa phương đứng ra bảo lĩnh thì người được bảo lĩnh phải là người cư trú ở địa phương đó.
Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Nội dung giấy cam đoan phải ghi rõ trách nhiệm của mình trong việc không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được các cơ quan tiến hành tố tụng thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc bảo lĩnh.