Người dân phản đối việc bán cây sưa 200 tuổi với giá hơn 24 tỷ đồng
Liên quan vụ việc người dân thôn Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) ẩu đả ngay tại cuộc họp triển khai phương án khai thác cây sưa 200 tuổi tại đình Đông Cốc trước sự chứng kiến của chính quyền xã, nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ việc trên là do người dân địa phương không chấp nhận bán cây sưa với giá 24,5 tỷ đồng mà UBND xã Hà Mãn đã bán đấu giá trước đó.
PV Kiến Thức tìm về thôn Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành) để tìm hiểu sự việc liên quan đến cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh nói trên. Khác với sự vắng lặng yên bình thường thấy, mấy ngày nay, khuôn viên đình Đông Cốc (Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia, nơi có hai cây sưa quý) rất đông người tụ tập. Người dân địa phương vẫn chưa hết bức xúc về việc một người dân bị đánh ngay tại cuộc họp trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Họ còn bức xúc bởi quá trình đấu thầu bán cây sưa đến định giá người dân địa phương đều không hề hay biết.
|
Cây sưa 200 tuổi nằm ngay đầu đình Đông Cốc. Ảnh Hải Ninh. |
Kể lại diễn biến cuộc họp triển khai phương án khai thác, bán cây sưa 200 tuổi ở đình Đông Cốc xảy ra ẩu đả, ông Nguyễn Văn Hội - một người dân thôn Đông Cốc - cho biết: “Ngày 7/12, trong hội nghị triển khai phương án khai thác cây gỗ sưa được thôn tổ chức có ông Nguyễn Văn Hiến là Chủ tịch UBND xã Hà Mãn dự. Cuộc họp này là của thôn Đông Cốc, tuy nhiên, thư ký cuộc họp lại là cán bộ xã nên người dân không đồng ý. Anh Nguyễn Văn Đoàn - một người dân trong thôn Đông Cốc - đứng lên phát biểu xin cho một người dân trong làng làm thư ký thay cho cán bộ xã. Tuy nhiên, lúc đó, anh Nguyễn Văn T. cũng là người trong thôn bất ngờ vụt anh Đoàn khiến anh Đoàn máu mê bê bết ở mặt. Sự việc xảy ra trước sự có mặt của lãnh đạo xã Hà Mãn khiến người dân bức xúc”.
|
Thân cây có dấu hiệu bị khô. Ảnh Hải Ninh. |
Theo ông Nguyễn Văn Hội và người dân thôn Đông Cốc, nguyên nhân sâu xa của sự việc là do người dân địa phương không đồng ý bán cây sưa 200 tuổi ở đình làng với giá 24,5 tỷ như kết quả đấu giá của chính quyền địa phương.
“Từ năm 2013, người dân trong làng rao bán cây sưa hơn 200 tuổi với giá 50 tỷ đồng. Các bô lão trong làng có đề xuất việc bán cây sưa trên để trùng tu lại đình, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi… Khi đó, bà Hợp có trả 49 tỷ để mua cây sưa này và đã nhất trí bán. Nhưng vừa rồi, xã yêu cầu bà Hợp trong thời gian ngắn phải nộp số tiền trên, không có tiền thì cắt hợp đồng. Sau đó, năm nay, chính quyền xã đã bán đấu giá cây sưa này với giá 24,5 tỷ nhưng người dân trong thôn không đồng ý bởi giá quá rẻ mạt”, ông Nguyễn Văn Hội cho biết.
Clip ông Nguyễn Văn Hội kể lại vụ việc ẩu đả trong cuộc họp triển khai phương án khai thác cây sưa:
Tại cuộc họp ngày 8/8/2016 được tổ chức tại nhà văn hóa thôn Đông Cốc về vấn đề này, ngay khi trưởng thôn Đông Cốc thông báo biên bản bán đấu giá cây sưa với giá 24,5 tỷ đồng, các cụ cao tuổi trong làng cũng nêu ý kiến không đồng ý việc bán cây sưa. Trong biên bản cuộc họp, đáng chú ý là ý kiến ông Nguyễn Văn Cử, người dân thôn Đông Cốc: “Cây sưa ở đình Đông Cốc đã có nhiều người trả với giá 49 tỷ. Khi đó, người dân đòi bán để xây dựng nông thôn mới, trùng tu lại đình mà không đồng ý bán. Nay lại bán cây với giá 24,5 tỷ là quá rẻ”.
Clip cuộc ẩu đả xảy ra trong cuộc họp phương án khai thác cây sưa đình Đông Cốc. Nguồn VTC14:
“Cây sưa này các cụ và dân làng, cán bộ địa phương đã giao cho Ban quản lý di tích trông nom ngày đêm. Khi bán đấu giá, chính quyền lại không có ý kiến gì với nhân dân địa phương”, ông Hận - một người dân địa phương - nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Đàm - người thôn Đông Cốc - đặt câu hỏi: “Cây sưa của làng Đông Cốc nằm ở đình làng mà chính quyền mang tận lên Hà Nội để tổ chức bán đấu giá là không hợp lý, có khuất tất. Cây ở thôn Đông Cốc phải về đây đấu giá công khai cho toàn dân biết”.
Vì sao cây sưa 200 tuổi đang xanh tốt bỗng dưng... “chết một nửa”?
Trong khuôn viên đình làng Đông Cốc hiện có cây sưa 400 tuổi nằm ngay sân đình và cây sưa 200 tuổi nằm ở cổng đình. Trong khi cây sưa 400 tuổi vẫn xanh tốt, phát triển khỏe mạnh thì cây sưa 200 tuổi có dấu hiệu bị chết cành, lá héo úa. Đây cũng là lý do mà UBND huyện Thuận Thành đã có công văn gửi các cơ quan chức năng về việc xã Hà Mãn xin hạ giải cây sưa 200 tuổi để lấy mặt bằng thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích đình làng Đông Cốc. Sau đó, các cơ quan chức năng đã có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thống nhất hạ giải cây sưa.
Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, ngày 19/1/2016, UBND tỉnh đã có công văn số 157/UBND-NN đồng ý cho địa phương hạ giải cây sưa nói trên. Ngày 11/4/2016, UBND huyện Thuận Thành ra công văn số 256/CV-UBND đồng ý cho UBND xã Hà Mãn, thôn Đông Cốc tổ chức hạ giải cây sưa.
|
Người dân địa phương bức xúc trước việc bán cây sưa trên với giá 24,5 tỷ đồng. Ảnh Hải Ninh. |
Ngày 29/4/2016, UBND xã Hà Mãn đã phối hợp với cấp ủy, Ban quản lý thôn và các đoàn thể thôn Đông Cốc khảo sát, đánh giá hiện trạng, kích thước cây sưa. Thôn Đông Cốc đã họp, có sự tham gia của cấp ủy chi bộ, ban quản lý thôn, các chi hội, đoàn thể, đại diện các dòng họ và đi đến thống nhất giao UBND xã Hà Mãn làm chủ sở hữu cây sưa để thực hiện hạ giải theo đúng quy định.
Được các cấp có thẩm quyền chấp thuận, UBND xã Hà Mãn đã tiến hành các bước thực hiện việc đấu giá cây gỗ sưa theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 1/8/2016, cây sưa 200 tuổi được bán đấu giá thành công với giá là 24,5 tỷ đồng. Sau khi bán đấu giá thành công, UBND xã đã tổ chức họp dân thôn Đông Cốc nhằm tạo sự đồng thuận trong việc khai thác cây gỗ sưa. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 7/12/2016, với đầy đủ các thành phần Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ xã Hà Mãn, Ban chi ủy chi bộ, Ban quản lý thôn, Ban chấp hành các đoàn thể và đại diện nhân dân trong thôn Đông Cốc, khi hội nghị mới diễn ra thì xảy ra vụ việc ẩu đả trên.
Clip người dân nói về nguyên nhân dẫn đến cây sưa có dấu hiệu bị chết dần:
Câu hỏi đặt ra: Nguyên nhân vì sao cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh đang xanh tốt lại có biểu hiện héo chết? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hội đã tiết lộ "một bí mật". Theo lời ông Hội, vào năm 2013, có một số người đến xem cây sưa, trong số đó có cả thương lái Trung Quốc. Họ khoan thử vào thân cây để đo lõi cây. Sau đó một thời gian, cây có biểu hiện cành khô, lá héo. Người dân nghi ngờ họ cho thuốc vào mũi khoan khiến cây mất dần đi sự sống.
Liên quan sự việc trên, ngày 7/12/2016, 31 người dân thôn Đông Cốc do ông Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Văn Khuyến là đại diện đã kéo lên trụ sở tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh kiến nghị xung quanh việc hạ giải cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc. Ngày 8/12/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn số 3675/UBND-NC, trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo: “Giao UBND huyện Thuận Thành xem xét giải quyết trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trước ngày 15/1/2017”.
Ngày 8/12, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, UBND huyện Thuận Thành đã quyết định tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Trong ngày 8/12/2016, UBND huyện Thuận Thành đã ra văn bản chỉ đạo số 859/CV-UBND, yêu cầu UBND xã Hà Mãn chỉ đạo tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn. Đồng thời chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, ẩu đả, gây rối tại hội nghị họp dân thôn Đông Cốc sáng ngày 7/12/2016.
Đình Đông Cốc là di tích lịch sử cấp quốc gia, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong các khu vực bảo vệ của di tích, trường hợp đặc biệt phải được phép của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Dư luận quan tâm, việc chỉ đạo cũng như quá trình thực hiện đấu giá bán cây sưa 200 tuổi có đúng theo quy định của pháp luật?
Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan vụ việc trên.