|
Theo dự báo từ đêm ngày 13/8 vùng núi phía Bắc sẽ mưa nhiều trở lại, kéo theo nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Mù Cang Chải có thể tiếp tục là điểm nóng của thiên tai. |
Ghi nhận tại tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải, một tuần sau trận lũ quét chưa từng có, công tác khắc phục hậu quả đang diễn ra hết sức khẩn trương nhưng mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang: đá, đất, và bùn nhão.
Yếu tố trực tiếp gây ra trận lũ ống, lũ quét lịch sử tại Mù Cang Chải là mưa. Nhưng không phải đơn thuần một trận mưa to, mà là cả một thời gian mưa kéo dài. Theo thống kê suốt từ 18/6 đến 3/8 hầu như ngày nào cũng có mưa, tổng số ngày mưa lên tới 39/46 ngày. Tính riêng tháng 7 tổng lượng mưa đã vượt trung bình nhiều năm. Mọi năm nơi đây hứng khoảng 390mm lượng mưa trút xuống, thế nhưng năm nay con số lên tới 516mm. Có nghĩa là hơn nửa mét nước đã bao phủ toàn bộ diện tích huyện Mù Cang Chải trong tháng 7.
Nếu tính trên diện tích có bán kính khoảng 10km tính từ trạm Khí tượng Mù Cang Chải, trong tháng 7 khu vực này phải hứng chịu khối lượng nước lên tới 162 triệu m3, tương đương với khoảng 21,6 lần lượng nước của hồ Tây - Hà Nội. Trong đó một phần bị bốc hơi, một phần thấm vào lòng đất, phần lớn còn lại sinh ra dòng chảy mặt. Dòng chảy này cùng với yếu tố địa chất, địa hình có cấu tạo đặc trưng đã gây ra lũ quét, lũ ống lịch sử như thế nào?
Theo đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thắng, Viện Địa chất, đất đá tại Yên Bái bị phong hóa rất mạnh, sản phẩm phong hóa bở rời kém kết dính. Lượng mưa kéo dài trong cả tháng 6 sang đầu tháng 7 làm cho đất đá, lớp phủ rất dễ bị bão hòa, sạt lở. Toàn bộ thung lũng bị sạt lở, đất đá dồn xuống lòng suối, chất đống lại như 1 cái đập tự nhiên. Nước dâng lên tới độ cao 6m, trên bờ là 2m. Khi tiếp tục mưa, đập tự nhiên bị vỡ, nó trôi đi hỗn hợp nước, bùn và đá.
Mù Cang Chải là nơi địa hình rất dốc và phân cắt rất mạnh, các sườn núi dốc từ 30 đến 45 độ, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho sự vận chuyển theo trọng lực xuống dưới. Nếu quy hoạch, triển khai 1 cái gì đấy ảnh hưởng đến dòng chảy mặt, đấy là yếu tố gián tiếp gây ra lũ quét thảm khốc ở Yên Bái.
Như vậy bên cạnh các yếu tố trực tiếp như lượng mưa, đặc trưng cấu tạo đất đá bở rời, yếu tố địa hình dốc, phân cắt những yếu tố gián tiếp cũng đang góp phần quan trọng vào mối nguy sạt lở. Trên thế giới khi phát triển đường cao tốc và thủy điện họ đều có những đánh giá hết sức chi tiết về các yếu tố có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên như địa hình, dòng chảy, và mực nước ngầm. Còn ở Việt Nam các yếu tố này lại chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo.