Huyện đảo Lý Sơn sẽ chính thức giải thể đơn vị hành chính gồm ba xã: An Bình, An Hải và An Vĩnh. Địa phương này có diện tích tự nhiên hơn 10 km2 và quy mô dân số hơn 22.000 người. Đây là huyện duy nhất của Quảng Ngãi không có cấp xã.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố. Trước đó, đã có nhiều tỉnh, thành thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo chủ trương các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.
Đáng chú ý trong đợt sắp xếp lần này, Chính phủ đề nghị giải thể 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn. "Sau khi thực hiện giải thể thì huyện đảo Lý Sơn không còn đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc" - tờ trình của Chính phủ nêu.
|
Huyện Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã |
Trong ngày công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải thể đơn vị hành chính cấp xã, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết sau khi giải thể đơn vị hành chính cấp xã, đội ngũ cán bộ nơi đây được sắp xếp bố trí vào các cơ quan hành chính, chính trị thuộc các phòng, ban, đơn vị huyện Lý Sơn.
Trong quá trình làm việc, đội ngũ cán bộ được đánh giá chất lượng sẽ bố trí phân công từng vị trí việc làm phù hợp. Riêng đội ngũ cán bộ không chuyên trách, dôi dư thì huyện Lý Sơn có chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp.
"Việc xây dựng chính quyền một cấp nhằm góp phần tinh giản hành chính cấp xã, nâng cao hiệu quả giải quyết hành chính cấp huyện. Chính quyền một cấp huyện đảo Lý Sơn sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4 tới", ông Việt nói.
Trước Lý Sơn, cả nước cũng đã có 3 huyện đảo là Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng, Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị và Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.
|
Ảnh minh họa |
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã thực sự đem lại những kết quả rất tích cực, rõ nét trong toàn hệ thống.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 34-KL/TW, ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị, nhiều cấp ủy đã chủ động triển khai thí điểm thực hiện các mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối cơ quan, đơn vị, giảm số lượng cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể địa phương; triển khai sắp xếp lại tổ chức chi cục thuế, kho bạc nhà nước... theo khu vực liên huyện. Một số địa phương đã hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố: Cả nước có 46 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Đến nay, Bộ Nội vụ đã thẩm định 35/46 đề án của các tỉnh, thành phố; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh. Sau khi sắp xếp sẽ giảm 05 ĐVHC cấp huyện; 556 ĐVHC cấp xã. Các địa phương đã sắp xếp giảm 10.140 thôn, tổ dân phố.
Về tinh giản biên chế, cả nước giảm khoảng 236.000 biên chế, tương ứng giảm khoảng 6,5% so với biên chế thực tế tại thời điểm 30/4/2015 . Trong đó: (1) Cán bộ, công chức (từ cấp huyện trở lên) giảm trên 22.000 người, tương ứng giảm khoảng 6,3%. (2) Viên chức (từ cấp huyện trở lên) giảm trên 69.000 người, tương ứng giảm khoảng 3,8%. (3) Các loại hợp đồng lao động khác giảm trên 18.000 người, tương ứng giảm khoảng 11,%. (4) Cán bộ, công chức cấp xã giảm khoảng 1.000 người, tương ứng giảm khoảng 0,4%. (6) Số người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố giảm khoảng 126.000 người, tương ứng giảm khoảng 13,6%.
Trong đó, tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ được khoảng 47.000 biên chế. Gồm: (1) Do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy chiếm khoảng 13,6%. (2) Do cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí được việc làm khác chiếm khoảng 16,3%. (3) Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm chiếm khoảng 15,3%. (4) Do phân loại, đánh giá chiếm khoảng 41,9%. (5) Các trường hợp còn lại chiếm khoảng 13,1%.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần tiết kiệm chi thường xuyên (riêng năm 2019 giảm khoảng 10.000 tỷ đồng kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị), tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm nợ công; đồng thời, vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm.
>>> Xem thêm clip: Giá tỏi Lý Sơn, ‘leo thang’ vì hạn hán