Vì sao chiếc iPad của ông Nguyễn Đức Chung bị niêm phong?

Google News

Sau khi gia đình ông Nguyễn Đức Chung cung cấp chiếc iPad được cài email "chunghinhsu@gmail.com" để làm bằng chứng, HĐXX đã niêm phong chiếc máy.

Tại buổi xét xử vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội và một số đơn vị liên quan vào ngày 29/12, trong phần trình bày của mình, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho ông Chung) tái đề nghị HĐXX xem xét chứng cứ mới là chiếc iPad mà gia đình cựu Chủ tịch Hà Nội cung cấp. Chiếc iPad này được cài email "chunghinhsu@gmail.com".
Niêm phong iPad
Vi sao chiec iPad cua ong Nguyen Duc Chung bi niem phong?
Bị cáo Nguyễn Đức Chung. 
Trước tình huống này, chủ tọa Vũ Quang Huy quyết định tạm dừng tranh luận, quay lại phần xét hỏi. Trả lời HĐXX, ông Chung đề nghị cơ quan tố tụng tiếp nhận chiếc iPad trên để xem xét, trưng cầu giám định nội dung lưu trữ bên trong...
Để đảm bảo tính bảo mật, Viện đề nghị HĐXX để bị cáo Chung viết mật khẩu vào giấy, rồi niêm phong cùng vật chứng là chiếc iPad, phục vụ công tác giám định. Song, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho biết, không nhớ được mật khẩu của email "chunghinhsu@gmail.com". Bởi chiếc iPad này được ông sử dụng từ đầu năm 2016; đến 2018, ông đã chuyển sang dùng iPad khác, địa chỉ email cũng đổi sang email công vụ do Văn phòng UBND TP Hà Nội lập.
Sau đó, ông Chung nói: "Tôi đề nghị HĐXX cứ niêm phong chiếc iPad lại và tôi sẽ cố gắng nhớ mật khẩu để đến lúc giám định sẽ mở được".
Vi sao chiec iPad cua ong Nguyen Duc Chung bi niem phong?-Hinh-2
HĐXX phiên tòa.
HĐXX sau đó quyết định niêm phong chiếc iPad dưới sự chứng kiến của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Chung cùng luật sư.
Ông Nguyễn Đức Chung nói về Công ty Minh Hoa
Chiều 29/12, HĐXX dành hơn 1 giờ cho ông Nguyễn Đức Chung trình bày luận cứ đối đáp với những quan điểm buộc tội của VKS trong vụ sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội và Công ty Nhật Cường.
Cầm tập tài liệu trên tay, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội tiếp tục phủ nhận đã xem email do Bùi Quang Huy (cựu Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) gửi rồi gọi điện yêu cầu Giám đốc Sở KH&ĐT đình chỉ gói thầu số hóa.
"Với tư cách là một con người, tôi khẳng định không xem email của anh Huy để từ đó điện thoại cho anh Tứ", ông Chung đối đáp.
Theo cựu Chủ tịch Hà Nội, sau khi tiếp xúc với luật sư, ông nghe người bào chữa thuật lại nội dung email thể hiện một người khác đã gửi thư cho Bùi Quang Huy, nhờ Huy nói với ông Chung dừng gói thầu 2 tuần để giới thiệu một công ty khác tham gia.
Ông Chung cho rằng nội dung thư không liên quan đến việc Bùi Quang Huy nhờ dừng thầu để cho Công ty Nhật Cường tham gia mà để "giới thiệu một công ty cho anh nào đó ở miền Nam".
Nói về 3 cuộc điện thoại gọi cho ông Nguyễn Văn Tứ, ông Chung lập luận năm 2016, bị cáo là Trưởng ban chỉ đạo công nghệ thông tin của Hà Nội. Ngoài ra, với vai trò chủ tịch thành phố, ông có quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án số hóa dữ liệu tại Sở KH&ĐT. Đó là một trong các lý do ông gọi điện thoại yêu cầu bị cáo Tứ dừng thầu.
Đối với những lời khai của ông Tứ về việc chủ tịch thành phố chỉ đạo cho Nhật Cường thí điểm công nghệ số hóa dữ liệu, ông Chung tiếp tục phản bác và cho rằng mình chưa bao giờ gợi ý hay yêu cầu cấp dưới phải ủng hộ Nhật Cường hay bất cứ doanh nghiệp nào.
Ngoài những lập luận trên, ông Chung cũng dành thời gian đề cập đến Hợp đồng số 06/2016 (cơ quan tố tụng xác định là hợp đồng khống) giữa Công ty Nhật Cường và Công ty Minh Hoa do nhà thầu cung cấp trong hồ sơ dự thầu để hợp thức về năng lực.
Ông Nguyễn Đức Chung nói không biết đến hợp đồng này cho đến khi báo chí đăng tải tháng 5/2019. Ngoài ra, ông Chung cho rằng vợ mình là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là cá nhân hoạt động kinh doanh độc lập.
"Như cơ quan điều tra nêu, nếu bắt được Bùi Quang Huy mà làm rõ được động cơ, mục đích thì vợ tôi cũng phải chịu sự xử lý của pháp luật, không thể nào vợ làm chồng chịu", ông Chung trình bày.
Với những quan điểm nêu trên, cựu Chủ tịch Hà Nội tiếp tục phủ nhận cáo buộc của VKS và kiến nghị HĐXX xem xét, đánh giá khi lượng hình.
Sáng cùng ngày, VKSND Hà Nội đề nghị phạt ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) 3-4 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ và cựu Phó giám đốc sở Nguyễn Tiến Học bị đề nghị cùng mức án 36-42 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bốn bị cáo còn lại bị đề nghị 3-6 năm tù.
Ngày mai (30/12), phiên tòa tiếp tục tranh luận.
Trước đó, khi xét hỏi, luật sư Nguyễn Văn Tú được cũng trình bày về chiếc iPad nhưng HĐXX yêu cầu luật sư tạm thời tự bảo quản.
Theo truy tố, ông Chung bị cáo buộc có mối quan hệ thân thiết với Bùi Quang Huy. Ngày 15/5/2016, Huy gửi Email cho cựu Chủ tịch Hà Nội đề xuất lùi ngày đấu thầu đối với gói thầu số hóa năm 2016. Cáo buộc nêu rõ, ông Nguyễn Đức Chung sau đó chỉ đạo Giám đốc Sở KH&ĐT đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu trái quy định; yêu cầu phải lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố.
Căn cứ vào tài liệu chứng cứ, các kết luận giám định cùng lời khai của các bị can, cơ quan tố tụng có đủ cơ sở kết luận ông Chung chỉ đạo dừng thầu là do Bùi Quang Huy tác động và không căn cứ theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình xét hỏi tại tòa, ông Chung chỉ thừa nhận gọi 3 cuộc điện thoại cho ông Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT) để dừng gói thầu số hóa 2016, với lý do, để "đưa gói thầu số hóa mới vào nhằm đảm bảo chất lượng". Việc chỉ đạo dừng này không phải do Bùi Quang Huy tác động.

PV

>> xem thêm

Bình luận(0)