Cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam là quyết định được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi số ca nhiễm trên cả nước vượt ngưỡng 44.000, tính riêng trong đợt dịch thứ 4.
Là người trực tiếp tham dự nhiều cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, PGS TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam), chia sẻ việc áp dụng Chỉ thị 16 tại TP.HCM là quyết định được cân nhắc rất nhiều, phương án cách ly xã hội 19 tỉnh, thành phía Nam càng là quyết định khó khăn.
Cách ly xã hội toàn quốc sẽ "rất thiệt hại"
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, lo lắng lớn nhất của Ban Chỉ đạo là làm sao cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh, duy trì kinh tế và an sinh xã hội. Ông chia sẻ quyết định là của Chính phủ nhưng mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo để cuộc sống của người dân được đảm bảo.
PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích hai lý do khiến Chính phủ ra quyết định cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với 19 tỉnh, thành phía Nam.
Thứ nhất là thời gian qua, số ca mắc Covid-19 cũng như số ca tử vong tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp… ngày càng tăng cao. Thứ hai, các tỉnh, thành phía Nam có mối liên hệ vùng và đặc biệt là với TP.HCM - trung tâm giao lưu kinh tế, xã hội của cả vùng.
Ca nhiễm tại các tỉnh có nguy cơ tăng cao và lan rộng sang địa phương lân cận qua giao thương, nếu không làm chặt, dịch có thể lan rất nhanh ra toàn bộ khu vực cũng như cả nước.
"Áp dụng Chỉ thị 16 vào lúc này để khống chế dịch, không để lây lan ra các vùng khác ít nguy cơ hơn, đảm bảo giúp đất nước thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế", ông Phu nhận định.
|
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Phạm Thắng. |
Thông điệp xuyên suốt của Chính phủ từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay là khoanh vùng giãn cách rộng, phong tỏa hẹp. Ông Trần Đắc Phu nhận định việc áp dụng Chỉ thị 16 trên 19 tỉnh, thành phía Nam hoàn toàn không đi ngược lại phương hướng chống dịch từ trước đến nay.
Để tận dụng khoảng "thời gian vàng" trong 14 ngày cách ly xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh điều quan trọng nhất là các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Mỗi địa phương nghiên cứu phương án hợp lý, linh hoạt với đặc điểm kinh tế - xã hội.
Thêm vào đó, điều rất quan trọng là sắp xếp lại các loại hình sản xuất kinh doanh và giao thông sao cho hợp lý.
"Dù mỗi nhà 'cửa đóng then cài', hạn chế đi lại, vẫn cần thông suốt giao thông liên tỉnh để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, không để đứt gãy chuỗi sản xuất", ông Phu nói.
|
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng thời gian qua, nhiều tỉnh áp dụng quy định máy móc. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Phu cho rằng hiện chưa phải thời điểm phù hợp để áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn quốc. Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc tuy có ca nhiễm, nguy cơ chưa quá cao, do đó, cần tạo điều kiện cho các địa phương tiếp tục sản xuất.
"Nếu cấm toàn quốc thì rất thiệt hại. Do đó, áp dụng theo từng vùng là giãn cách, phong tỏa đúng nguy cơ và tính toán rất kỹ; đảm bảo phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ vùng có nguy cơ thấp hơn", ông Phu nói.
Chuyên gia dẫn chứng nhiều quốc gia khác cũng tiến hành phong tỏa toàn quốc nhiều lần nhưng dịch vẫn không được kiểm soát hoàn toàn. Ông cho rằng cứ có dịch thì giãn các toàn quốc là cách làm "rất dễ", nhưng Việt Nam cần lựa chọn giải pháp phù hợp hơn để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Khác với trước đây, ở lần giãn cách này, Thủ tướng cho các địa phương hơn 24 giờ để chuẩn bị cho việc áp dụng Chỉ thị 16. Nói về quyết định này, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định việc áp dụng Chỉ thị 16 lần này được thực hiện trên địa bàn tương đối rộng. Do đó, khoảng "thời gian chờ" này là để các địa phương có sự phối hợp trong thời gian giãn cách, không gây ra ách tắc trong lưu thông hàng hóa hay các khó khăn khác cho người dân.
"Lúc này không bàn mục tiêu kép nữa"
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) cho rằng cách ly xã hội toàn vùng là quyết định được cân nhắc trên nhiều yếu tố, đặc biệt là số ca lây nhiễm trong cộng đồng và số ca tử vong ngày càng tăng. Do đó, mục tiêu hàng đầu là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Để sớm kiểm soát dịch bệnh, vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất, nhưng khi vaccine còn khan hiếm thì giãn cách là giải pháp an toàn nhất.
"Dù kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng, vẫn phải chấp nhận hy sinh kinh tế trong ngắn hạn để ưu tiên bảo vệ sức khỏe nhân dân", chuyên gia nói.
|
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hà. |
PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhận định cách ly xã hội từng là giải pháp mang lại thành công trong năm 2020. Do đó, thời gian tới phải chấp hành nghiêm ngặt nhất để sớm kiểm soát dịch bệnh trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, Chính phủ cần tiếp tục chuẩn bị nguồn vaccine, sớm đẩy nhanh việc sản xuất vaccine nội để Việt Nam chủ động hơn trong vấn đề này. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu thêm gói hỗ trợ thứ hai cho người dân, doanh nghiệp để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Lúc này không bàn mục tiêu kép nữa, nơi nào đang có dịch thì chỉ cần tập trung cho dịch
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Chuyên gia nhận định việc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn vùng không phải là thay đổi trong chiến lược mà vẫn duy trì hướng "khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp". Ông nhìn nhận Thủ tướng Phạm Minh Chính là người điều hành theo thực tiễn, trực tiếp đi các nơi để nắm bắt tình hình nên các giải pháp cũng sẽ căn cứ vào diễn biến dịch bệnh ở các vùng khác nhau.
"Lúc này không bàn mục tiêu kép nữa, nơi nào đang có dịch thì chỉ cần tập trung cho dịch. Chỉ nơi nào thật an toàn mới sản xuất và ưu tiên mặt hàng thiết yếu để nuôi sống người dân", ông Ngân nói.
|
Thiết bị y tế cho công tác điều trị đang là lo lắng lớn nhất tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nhận định trong bối cảnh số ca nhiễm ngày càng tăng theo cấp số nhân, vật tư, thiết bị y tế sẽ ngày càng trở nên cấp thiết, ông Ngân cho rằng nếu tuân thủ tuyệt đối quy trình pháp luật hiện nay, ngành y tế sẽ không theo kịp sự lây lan của chủng Delta.
Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần sớm thông qua phương án chỉ định thầu trong mua sắm vật tư, thiết bị y tế để tạo hành lang riêng giúp ngành y tế mạnh dạn ứng phó với dịch trong tình huống khẩn cấp.
Ngày 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký văn bản hỏa tốc về việc áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh đối với 19 tỉnh, thành phía Nam.
Ngoài TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, Thủ tướng đồng ý bổ sung áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian thực hiện giãn cách 14 ngày.
Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.