Tráo người cách ly: Coi chừng phạt tù cả đôi!

Google News

Hành vi tráo người cách ly có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mới đây, việc một người đàn ông ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng là F1 của bệnh nhân COVID-19 nhờ người khác đi cách ly thay khiến dư luận bức xúc.
Phạt hành chính đến 20 triệu đồng
Cụ thể, tối 2-6, ông ĐND (51 tuổi) và một người khác được đưa vào một khu cách ly tập trung tại TP Đà Lạt do là F1 của bệnh nhân COVID-19. Đến sáng 4-6, lực lượng y tế phát hiện ông TĐD (39 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) đi cách ly thay ông ĐND.
Câu hỏi đặt ra là những người liên quan đến vụ tráo người cách ly sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao nguoi cach ly: Coi chung phat tu ca doi!
Người dân vào cách ly tập trung tại Sư đoàn 317 (huyện Hóc Môn, TP.HCM). Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG 
ThS - luật sư (LS) Cao Ngọc Sơn, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang, cho biết: Ngày 1-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19. Quyết định nêu trên xác định địa điểm và quy mô xảy ra dịch trên địa bàn toàn quốc. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Một trong những biện pháp phòng chống dịch bệnh cấp thiết theo Quyết định 447 đó là “tổ chức cách ly y tế”. Đây là biện pháp cần thiết, phải kịp thời thực hiện để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh nguy hiểm. Việc công bố dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực hiện theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm (PCBTN) 2007.
Trường hợp ông ĐND thuộc diện F1, là người có nguy cơ lây nhiễm cao, thuộc diện phải cách ly y tế. Việc ông ĐND nhờ ông TĐD thay mình đi cách ly là hành vi rất nguy hiểm và có thể khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Dưới góc độ pháp lý, theo ThS-LS Cao Ngọc Sơn, hành vi đánh tráo người thuộc diện phải cách ly là trái luật và bị nghiêm cấm, được quy định tại Điều 8 Luật PCBTN gồm: Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp PCBTN theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
ThS-LS Cao Ngọc Sơn nói: “Những vi phạm nêu trên có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) theo điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020 (quy định về XPVPHC trong lĩnh vực y tế) về hành vi: Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Theo đó, mức phạt tiền sẽ từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (áp dụng đối với cá nhân, tổ chức phạt gấp đôi).
Ngoài ra, hành vi tráo người cách ly cũng có thể bị xử phạt theo điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 117/2020 với mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng”.
Cách ly thay dễ thành đồng phạm
Cũng theo ThS-LS Cao Ngọc Sơn, trường hợp người trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS.
Theo đó, mức phạt tối đa có thể lên đến 12 năm tù. Người giúp sức cho người trốn cách ly, tráo cách ly có thể bị truy cứu TNHS cùng tội danh trên với vai trò đồng phạm.
Đồng tình, LS Lê Văn Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Hành vi của ông ĐND nhằm mục đích trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế của Nhà nước. Hành vi này cũng có thể bị XPVPHC theo điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Nghị định 117/2020 với mức phạt từ 15 triệu đến 20 triệu đồng (áp dụng đối với cá nhân).
Đồng thời người cách ly thay cũng sẽ bị buộc phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định. “Việc xác định hành vi của hai người này chỉ dừng lại ở việc bị XPVPHC hay bị truy cứu TNHS tùy thuộc vào hậu quả thực tế do hành vi của họ gây ra” - LS Thanh nhận định.
Cũng theo LS Thanh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, việc tuân theo hướng dẫn và quyết định của cơ quan y tế là rất quan trọng.
“Một hành động sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn cho xã hội. Bản thân người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí là bị kết tội hình sự. Vì vậy, tôi mong rằng mỗi người hãy có ý thức tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch và hướng dẫn của cơ quan nhà nước để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra” - LS Thanh nói.
Siết lại khâu tiếp nhận người cách ly
Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết do những người trên đều mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang khi ngồi trên xe để đưa đi cách ly nên không phát hiện ra việc tráo người cách ly. “Việc rà soát, đối chiếu thông tin cá nhân lúc tiếp nhận người vào cách ly chưa được chặt chẽ có thể là sơ hở nên mới xảy ra việc tráo người. Việc này cần được siết chặt lại” - một cán bộ có thẩm quyền của Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho hay.
Theo MINH CHUNG/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)