Mặc dù Bộ GTVT đã chỉ rõ những sai phạm trong công tác đấu thầu của Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đối với các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP HCM – Dầu Giây nhưng đến nay những sai phạm vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Không đấu thầu, cấp phép vượt thời gian quy định
Ngày 24/1/2019, Bộ GTVT phát đi Kết luận số 840/KL-BGTVT về nội dung xác minh tố cáo đối với ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổ chức, cá nhân Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Theo đó, Bộ GTVT đã nêu rõ những sai phạm của cá nhân ông Mai Tuấn Anh cùng bộ máy của VEC trong việc ký hợp đồng với các nhà đầu tư trạm dừng nghỉ Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP HCM – Dầu Giây không thông qua đấu thầu (tổng 7 trạm).
Theo Kết luận, trong 7 trạm dừng nghỉ này, 6 trạm có thời gian hoàn vốn tạm xác định vượt phương án tài chính được phê duyệt của dự án cao tốc.
|
Trạm dừng nghỉ Tuấn Tú trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn đang hoạt động. |
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tháng 8/2012, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu VEC, trong đó có nội dung nghiên cứu đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư dự án. Tháng 9/2012, VEC có văn bản gửi Bộ GTVT về việc xin chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp tham gia đầu tư một số công trình, hạng mục phụ trợ phục vụ quản lý, khai thác các dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Tháng 6/2014, HĐTV của VEC đã ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương thực hiện đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hình thức xã hội hóa và phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Bộ GTVT cho biết, trong năm 2014, VEC đã tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 7 trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc. Cụ thể, Trạm dừng nghỉ Km227+000 Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình được giao cho Công ty CP Đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh thực hiện đầu tư xây dựng. Trạm dừng nghỉ Km41+100 tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được VEC ký hợp đồng nguyên tắc và giao cho Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn tiếp cận mặt bằng để nghiên cứu khảo sát thiết kế, đầu tư xây dựng. Theo báo cáo của Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, chi phí đầu tư Giai đoạn 1 của trạm dừng nghỉ này hơn 30 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn tạm xác định là 20 năm. Đây cũng là trạm duy nhất trong 7 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc có thời gian hoàn vốn tạm xác định không vượt phương án tài chính được phê duyệt.
Riêng 6 trạm dừng nghỉ còn lại đều có thời gian hoàn vốn đầu tư tạm xác định vượt phương án tài chính được phê duyệt của các dự án đường cao tốc, cụ thể:
Trạm dừng nghỉ Km227+000 Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh tạm xác định tối đa 50 năm. Trong khi đó, theo Quyết định số 3789/QĐ-BGTVT ngày 23/11/2016 thì phương án tài chính của Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình được phê duyệt là 24 năm. Như vậy, phương án hoàn vốn đầu tư tạm tính cho Trạm dừng nghỉ Km227+000 vượt 26 năm so với phương án tài chính được duyệt của Dự án. Theo báo cáo của Nhà đầu tư, chi phí đầu tư Giai đoạn 1 của Trạm dừng nghỉ này hơn 60 tỷ đồng; công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2014.
Tại 5 trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Trạm dừng nghỉ Km22+900 có giá trị hợp đồng Giai đoạn 1 được ký kết giữa VEC và Công ty TNHH Phước An là 113 tỷ đồng; công trình đưa vào sử dụng ngày 21/10/2015; thời gian hoàn vốn tạm xác định tối đa 50 năm. Trong khi đó, theo Quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, phương án tài chính được phê duyệt cho Dự án Nội Bài - Lào Cai là 27 năm, như vậy thời gian hoàn vốn tạm xác định cho trạm dừng nghỉ này vượt 23 năm.
Tại Trạm dừng nghỉ Km57+500, thời gian hoàn vốn tạm xác định cho Công ty Tuấn Tú Phú Thọ là 40 năm, vượt 13 năm so với phương án tài chính của Dự án do Bộ GTVT phê duyệt. Trạm dừng nghỉ này được đưa vào khai thác Giai đoạn 1 vào tháng 4/2015 với tổng chi phí đầu tư hơn 80 tỷ đồng.
Tại Trạm dừng nghỉ Km117+500, thời gian hoàn vốn tạm xác định cho Công ty CP Phú Thịnh Phú Thọ là 33 năm, vượt 6 năm so với phương án tài chính được duyệt của Dự án. Công trình đưa vào khai thác vào tháng 4/2015; chi phí đầu tư Giai đoạn 1 hơn 30 tỷ đồng.
Tại Trạm dừng nghỉ Km171+500, thời gian hoàn vốn tạm xác định cho Công ty CP 27/7 Thanh Xuân là 40 năm (vượt 13 năm so với phương án tài chính được duyệt của Dự án). Trạm dừng nghỉ này đưa vào khai thác vào tháng 12/2015; chi phí đầu tư Giai đoạn 1 hơn 50 tỷ đồng.
Cuối cùng, tại Trạm dừng nghỉ Km236+940 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Long Hải là 40 năm, vượt 13 năm so với phương án tài chính được duyệt của Dự án (27 năm).
“Căn cứ vào kết luận của Bộ GTVT về các nội dung tố cáo, Bộ GTVT kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Xử lý trách nhiệm đối với nguyên Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, sai sót do ban hành nghị quyết, ký hợp đồng với các nhà đầu tư trạm dừng nghỉ Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP HCM – Dầu Giây không thông qua đấu thầu; Chỉ đạo VEC xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu ban hành nghị quyết và ký hợp đồng với các nhà đầu tư...”, Bộ GTVT kiến nghị trong bản kết luận.
Tuy nhiên, đến nay việc xử lý đối với những cá nhân, tập thể trên tại VEC không được thông tin rộng rãi. Thậm chí, khi PV Báo Tri thức liên hệ với VEC nhưng chỉ được cho biết: “Trong năm 2019, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ VEC, trong đó có một số cá nhân liên quan đến các tồn tại về trạm dừng nghỉ. Thực hiện Kết luận số 840/KL-BGTVT của Bộ GTVT và Kết luận của Cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ”.
VEC nói gì?
Thông tin với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, VEC cho rằng: “Kết luận số 840/KL-BGTVT ngày 24/01/2019 kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xử lý trách nhiệm đối với các đồng chí thuộc sự quản lý của Ủy ban và chỉ đạo VEC xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu ban hành nghị quyết và ký hợp đồng với các nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ cao tốc do VEC quản lý, không có nội dung chỉ đạo về việc hủy thầu và đấu thầu lại”.
Theo VEC, sau quá trình kiểm tra, cấp thẩm quyền yêu cầu huỷ hợp đồng với các nhà đầu tư trong việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ.
“VEC khẳng định việc hủy Hợp đồng là yêu cầu bắt buộc và đã có thông báo hủy Hợp đồng gửi đến 8 nhà đầu tư (Thông báo số 1225/TB-VEC ngày 25/6/2021 về việc thông báo hủy Hợp đồng). VEC cũng đã mời các Nhà đầu tư đến làm việc trực tiếp tại VEC (trong 3 đợt) để thảo luận phương án hủy Hợp đồng”, VEC thông tin.
Tuy nhiên, khi PV Báo Tri thức và Cuộc sống đặt vấn đề: Căn cứ vào nội dung Kết luận và quy định của pháp luật hiện hành, VEC có kiến nghị, đề xuất, tham mưu về việc hủy thầu, đấu thầu lại hay không?. Và việc hủy hợp đồng có được hiểu là các chủ đầu tư sẽ không được tiếp tục vận hành, hoạt động kinh doanh tại các trạm dừng nghỉ, đồng thời sẽ ký hợp đồng mới với các công ty, doanh nghiệp khác có nhu cầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi hay không?. Nhưng VEC từ chối trả lời.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
*Năm 2022, mở rộng điều tra giai đoạn 2 của vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam Mai Tuấn Anh, nguyên tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty VEC về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".