Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình thông tin như trên khi báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và 6 tại phiên thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/7.
PV Tri thức và Cuộc sống trao đổi với Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp; PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội TP HCM và PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng (thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc BHYT trên.
|
Ảnh minh họa. |
Thiếu thuốc BHYT do đâu?
Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và 6 tại phiên thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/7 có vấn đề “nóng” về việc người dân khám chữa bệnh theo bảo hiểm vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất điều trị, chữa bệnh cho bệnh nhân, các chuyên gia nhìn nhận thế nào?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Tình trạng thiếu thuốc cho người khám thẻ BHYT đã có từ lâu. Mới đây, Bộ trưởng Y tế cho biết, thuốc không thiếu, nhưng tại một số bệnh viện vẫn còn thiếu thuốc cục bộ.
Tại những cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đặt vấn đề thiếu thuốc của bệnh viện. Họ phản ánh thực trạng bác sĩ kê đơn, thuốc mua ở ngoài nhiều hơn thuốc trong danh mục BHYT, khiến họ bức xúc.
Hiện nay, chúng ta phát động người dân mua BHYT. Tuy nhiên, theo đánh giá của bảo hiểm xã hội riêng tỉnh Đồng Tháp, tình hình mua BHYT thời gian gần đây chững lại, thậm chí thấp, không đạt chỉ tiêu. Mức lương cơ sở hiện tăng, BHYT cũng tăng lên nữa, thuốc theo danh mục BHYT lại thiếu nên người dân ngại đi khám chữa bệnh theo tuyến BHYT.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Bộ trưởng Y tế từng trả lời trước Quốc hội và khẳng định không thiếu thuốc, nhưng thực tế các bệnh viện, cơ sở y tế giải quyết trường hợp này rất khó khăn, chủ yếu người dân phải đi mua ngoài một số loại thuốc trong danh mục BHYT. Cơ chế gây ách tắc dẫn đến thiếu thuốc là gì?
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Tình trạng thiếu thuốc cách đây một, hai năm rất trầm trọng. Đợt họp kỳ họp thứ 7, Bộ Y tế báo cáo đã khắc phục nhưng báo cáo của Ban Dân nguyện như trên cho thấy chưa khắc phục được. Vấn đề ở đây là chênh nhau giữa các báo cáo, ai đúng, ai sai.
Theo tôi, cả hai bên đều có phần đúng. Bộ Y tế đã có các văn bản để điều chỉnh. Như Bộ trưởng Y tế cũng nói các văn bản quy phạm pháp luật đã có, tại các bệnh viện áp dụng chưa đúng, nói chung là tình trạng thiếu thuốc đã được cải thiện. Ban Dân nguyện báo cáo, nêu thiếu thuốc, phải xác định ở đâu thiếu, phải rõ ràng và có trường hợp cụ thể để tháo gỡ kịp thời.
Do đó phải rút kinh nghiệm về báo cáo, ai đang nói không đúng. Một bên bảo thiếu thuốc đã được khắc phục, vậy khắc phục như thế nào rồi, được 100% chưa. Chúng ta phải khoanh vùng ra.
Không phải thiếu trên diện rộng như trước mà đã có cải thiện rồi, nhưng cụ thể thiếu như thế nào cũng cần được chỉ rõ để Bộ Y tế trình Chính phủ có những chính sách đặc thù để bảo đảm cho người dân không bị mất quyền lợi.
|
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan |
PGS.TS Bùi Thị An: Việc đảm bảo đủ thuốc cho các bệnh nhân phải được đặt ra thành mục tiêu đối với ngành y tế. Bởi người dân mua bảo hiểm, khi ốm cần được chăm sóc và đủ thuốc điều trị.
Bộ trưởng Y tế từng nói không thiếu thuốc. Bây giờ, cần phải xác minh ý kiến phản ánh của cử tri đúng đến đâu, thiếu thuốc có thật hay không, thiếu ở đâu, bệnh viện nào, các lãnh đạo Bộ Y tế có biết không. Tại sao lại có sự vênh giữa báo cáo lên Bộ trưởng Y tế và thực tế thực thi như vậy.
Phải làm rõ và có giải pháp, không thể để tình trạng thiếu thuốc khiến người dân chịu thiệt. Bộ Y tế cũng phải trả lời việc này.
Để người mua BHYT không bị thiệt do thiếu thuốc
Vấn đề ở cơ chế hay ý chí chủ quan của người đứng đầu “sợ này né kia”? Cuối cùng, gánh hậu quả là người dân?
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Chúng ta đang thiếu chính sách. Người hưởng BHYT có quyền lợi, phải được sử dụng và có thuốc trong bệnh viện cho họ. Tuy nhiên, có thời gian dài thiếu thuốc. Bây giờ, Ban Dân nguyện phản ánh vẫn thiếu thuốc, người dân vẫn phải tự đi mua bên ngoài.
Các Đại biểu Quốc hội cũng nhiều lần phát biểu về đền bù khi thiếu thuốc cho người dân. Bởi, khi bắt người dân đi mua thuốc bên ngoài, phải đền bù chi phí, không đền bù được 100% thì cũng phải bằng chi phí mua thuốc BHYT theo kết quả đấu thầu. Nhưng đến bây giờ vẫn không thay đổi.
Tôi từng đặt vấn đề đó thì bảo hiểm đổ cho Bộ Y tế chưa đề xuất, còn Bộ Y tế lại chậm. Trong chuyện này, theo tôi, quyền lợi của người hưởng y tế bị mất. Những người đã bị thiếu thuốc, đang bị thiếu thuốc hoặc sẽ bị thiếu thuốc phải được đền bù để mua bên ngoài, đỡ thiệt hại cho người dân. Chúng ta có rất nhiều bệnh nhân khó khăn, khi vào viện, tiền này tiền kia, chỉ có giường bệnh cố định còn trang thiết bị cũng thiếu, thuốc cũng thiếu.
|
PGS.TS Bùi Thị An |
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Tôi cho rằng, nếu còn tình trạng thiếu thuốc theo danh mục BHYT, rõ ràng có trách nhiệm một phần của Bộ trưởng Y tế. Bộ trưởng trả lời tại hội trường Quốc hội là không thiếu thuốc nhưng hiện nay vẫn còn thiếu.
Về nguyên nhân thiếu thuốc, tôi nghĩ vẫn do e ngại đấu thầu. Bởi thuốc trong danh mục BHYT thường rẻ, nhiều, thông thường. Bác sĩ kê đơn mua ở ngoài với giá cao khiến người dân cảm thấy phiền và thắc mắc vì sao lại thiếu.
Việc để người dân phải ra ngoài mua thuốc chữa bệnh của tư nhân, vô hình trung giúp một bộ phận đầu cơ, trục lợi từ giá thuốc, đi ngược với chủ trương về việc quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với giá thuốc?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Tôi nghĩ có lợi ích nhóm chứ không phải không có. Do đó, phải kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh tình trạng này, nếu phát hiện.
PGS.TS Bùi Thị An: Tôi cũng đề nghị Bộ Y tế cho xác minh tại tất cả bệnh viện, làm rõ vì sao người dân đến bệnh viện nhưng lại phải đi mua thuốc ở các nhà thuốc bên ngoài.
Giá thuốc ở Việt Nam so với thế giới khác nhau như thế nào? Việc mua thuốc kháng sinh điều trị ở nước ngoài được kiểm soát rất nghiêm ngặt, phải có đơn thuốc hợp pháp của bệnh viện/bác sĩ, nhưng nước ta hiện nay vẫn "tự do thích mua thuốc gì ra hiệu thuốc có luôn, miễn có tiền"? Vậy điều này cần hiểu thế nào cho phù hợp?
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Người dân tự đi mua thuốc tại các nhà thuốc khi chỉ bị bệnh thông thường, có khuynh hướng cho kháng sinh đắt tiền, kháng sinh phổ rộng dẫn đến tác hại chủng vi khuẩn đề kháng và nhờn với kháng sinh.
Khi người bị bệnh vào viện, dùng kháng sinh gì cũng chai lì không đáp ứng. Đây là một trong những vấn đề phải thừa nhận tại các nhà thuốc bên ngoài. Quy chế quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng người dân đến nhà thuốc muốn mua gì đều được đáp ứng, kể cả thuốc kê đơn cần sự quản lý của bác sĩ.
Còn giá thuốc ở Việt Nam so với nước ngoài rất khó ý kiến cao hay thấp. So sánh như thế nào khi có rất nhiều loại thuốc. Đối với thuốc độc quyền (thuốc phát minh), các hãng dược, tập đoàn đa quốc gia tập trung đầu tư chế thuốc mới, trong ngành gọi là thuốc độc quyền, rất đắt trên toàn thế giới. Loại thuốc này ở Việt Nam và thế giới không chênh lệch nhiều.
Loại thuốc thứ hai là Generic. Đối với ngành dược, sau 20 năm, những thuốc độc quyền sẽ được đưa ra công chúng, tất cả hãng dược được khai thác, chỉ cần mua nguyên liệu về làm sản phẩm của mình gọi là Generic. Loại này giá rất thay đổi. Có loại rất chất lượng với những tiêu chuẩn châu Âu, G7, giá sẽ khác nhưng cũng có những loại thuốc cực rẻ.
Ở Việt Nam hiện nay, thuốc dùng trong hệ thống điều trị đều qua đấu thầu. Thuốc độc quyền có đấu thầu hay không đấu thầu cũng vậy, giá rất cao, chủ yếu cho bệnh nặng, còn loại Generic, trong danh mục BHYT của Việt Nam.
Hiện nay, với cơ chế đấu thầu, loại thuốc trúng thầu này rất rẻ. Thực ra, các thuốc vào danh mục BHYT đều trải qua thủ tục đấu thầu nhiêu khê, cộng với khó khăn do dịch bệnh, nhập khẩu thuốc, thủ tục chậm dẫn đến thiếu thuốc.
Chủ yếu thiếu thuốc trong bệnh viện, danh mục BHYT, còn cũng thuốc đó nhưng của công ty khác, không phải công ty trúng thầu, vẫn đầy thị trường. Do vậy, người dân mới phải ra ngoài mua thuốc.
Xin cảm ơn các chuyên gia.
>>> Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Cùng một bệnh, ở xã dùng thuốc 100 đồng, lên huyện đắt hơn".