Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm liên quan đến những sai phạm tại khu "đất vàng" trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP HCM) ngày 19/5, đại diện bị hại là Quân chủng Hải quân khẳng định, với các sai phạm của các bị cáo, Quân chủng Hải quân đã mất quyền sử dụng 3 khu đất (số 2, 9-11, 7-9) ở đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM) đã bị sang tên cho các công ty liên doanh khi hợp tác với Công ty Hải Thành.
Riêng khu đất số 7-9, các bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc), Vũ Thị Hoan (giám đốc Công ty Yên Khánh) và Phạm Văn Diệt (nguyên Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh) đã lừa đảo chiếm quyền sử dụng đất mang đi thế chấp ngân hàng. Nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời thì nguy cơ lô đất này sẽ bị phát mại.
|
Quang cảnh phiên tòa xét xử. |
Nói về hình thức lừa đảo, đại diện Quân chủng Hải quân cho biết các bị cáo Hệ, Diệt, Hoan đã gian dối trong lập tờ trình số 10 phản ánh không đúng về năng lực tài chính của Công ty Yên Khánh gửi Quân chủng Hải quân xin liên doanh thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng thương mại cho thuê.
Quân chủng Hải quân đã tin tưởng, không thẩm tra năng lực tài chính, kinh doanh, nguồn nhân lực của Công ty Yên Khánh và đã chấp nhận cho liên doanh. Đến nay qua làm việc với cơ quan tố tụng, Quân chủng Hải quân mới biết tại thời điểm đó, năm 2006, Công ty Yên Khánh mới thành lập được 7 tháng, Hoan làm giám đốc khi còn đang làm sinh viên.
Theo đại diện Quân chủng Hải quân, đơn vị đã bị các đối tượng chiếm quyền sử dụng đất khu đất số 7-9 có giá trị thời điểm tháng 2/2010 là hơn 525 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị các công ty liên doanh và các đối tượng có liên quan trả lại quyền sử dụng 3 khu đất nói trên cho Quân chủng Hải quân quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Số tiền sử dụng đất của 3 khu đất nói trên là hơn 939 tỷ đồng, đề nghị Công ty Hải Thành nộp lại cho Quân chủng Hải quân.
Tại phiên tòa, đại diện Công ty Hải Thành thuộc Quân chủng Hải quân cho biết, bản chất của các hợp đồng liên doanh giữa Hải Thành và các công ty đối tác tại 3 khu đất nói trên là cho thuê đất, bởi Hải Thành có nhận được một khoản cổ tức cố định, không phụ thuộc vào lợi nhuận của công ty liên doanh.
Đại diện Công ty Hải Thành cho hay, số tiền phải nộp về Quân chủng Hải quân là hơn 939 tỷ đồng khi được chuyển đổi mục đích sử dụng 3 khu đất. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa nộp số tiền hơn 939 tỷ đồng cho Quân chủng Hải quân.
Về doanh thu hợp tác liên doanh cả đời dự án (49 năm) ở 3 khu đất theo tính toán của Công ty Hải Thành theo đại diện Công ty Hải Thành sẽ thu về khoảng 775 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc Công ty Hải Thành tính toán, doanh thu 49 năm ở 3 dự án tại 3 khu đất là 775 tỷ đồng, trong khi đó, số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hơn 739 tỷ đồng, việc cho thuê đất như vậy có hợp lý hay không?, đại diện Công ty Hải Thành nói không biết, vì việc đàm phán, ký kết hợp đồng liên doanh của 3 khu đất là do các bị cáo thực hiện. Đồng thời cho biết đến nay đã thu được 329 tỷ đồng từ các công ty liên doanh tại 3 khu đất trên.
“Quan điểm của Hải Thành, đề nghị tòa xử lý 3 khu đất trên theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tòa cũng cần xem xét quyền lợi của Công ty Hải Thành và các đối tác đầu tư trên các khu đất dự án” - đại diện Công ty Hải Thành cho biết.
Hôm nay, ngày 20/5, phiên tòa tiếp tục diễn ra…
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng “đau đáu” nghỉ hưu được về ở với mẹ 91 tuổi:
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, được đào tạo 9 năm ở nước ngoài về chỉ huy quân sự, còn chưa từng một ngày được đào tạo quản lý kinh tế, nhất là quản lý đất đai.
Bị cáo Hiến cho biết, trong vụ việc này, bị cáo bị xem xét kỷ luật hành chính, về Đảng gồm: cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân chủng, Đảng ủy viên Quân chủng, Ủy viên quân ủy Trung ương, xóa Tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Trả lời luật sư về việc cáo trạng quy kết bị cáo không thực hiện việc kiểm tra, vậy có hoàn toàn đồng tình không? – bị cáo Hiến cho biết, bị cáo nguyên là đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, bị cáo không đồng tình với nội dung đó. Sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có ý kiến tại Công văn số 5371 về việc không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bị cáo đã ra lệnh tổng kiểm tra tất cả dự án làm kinh tế, Công ty Hải Thành theo chỉ thị kiểm tra của Tư lệnh Hải quân về việc chấp hành các quy định của pháp luật, của Bộ Quốc phòng, quân chủng.
"Tôi yêu cầu đến từng khu đất, từng công ty và công ty phải cử cán bộ có năng lực làm việc với đoàn. Tôi đã ra chỉ thị rất kỹ" - bị cáo Hiến nói và nhấn mạnh có làm nhưng chưa đủ sát sao quyết liệt nên mới nhận khuyết điểm.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến cho biết, thời điểm đó rất bận các công việc Tư lệnh Hải quân là chính xác. Bởi thời gian đó, bị cáo là Ủy viên Trung ương Đảng nên một năm mất khoảng 20 ngày nghiên cứu nghị quyết, họp, quán triệt nghị quyết. Đồng thời, là ĐBQH nên một năm mất 2-3 tháng họp Quốc hội, triển khai kết quả, tiếp xúc cử tri, công dân.
Ngoài ra, bị cáo còn nhiệm vụ nặng nề nữa trong giai đoạn này là Bộ chỉ định tham gia lớp cán bộ nguồn cao cấp toàn quân đi làm nghiên cứu sinh từ 2003 - 2008 phải học tập trung, chiếm hầu hết thời gian ngày nghỉ, lễ.
Ông Hiến cho biết bản thân từng được tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2014 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học. Đồng thời cho biết, có anh trai là liệt sĩ, hiện còn 1 mẹ già 91 tuổi, góa chồng từ năm 30 tuổi khi bị cáo mới hơn 5 tuổi, một mình nuôi bị cáo ăn học.
Khi trình bày về hoàn cảnh gia đình, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nghẹn ngào: "Mẹ bị cáo năm nay đã 91 tuổi, đang ở quê. Trước đây, khi còn công tác, bị cáo luôn đau đáu khi nghỉ hưu sẽ về quê ở với mẹ để bù đắp cho mẹ”.
Đánh giá vi phạm bản thân trong vụ án này, bị cáo Hiến nói: "Tôi nhận phần lỗi của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về lỗi của mình trước tổ chức, pháp luật, anh em, đồng đội".
>>> Mời độc giả xem video Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến hầu tòa