UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định sai: Ai chịu trách nhiệm?

Google News

(Kiến Thức) - Quyết định sai (1868/QĐ-UBND) của tỉnh Thanh Hóa, mà ông Tâm - Chủ tịch HĐQT mang trường Văn Hiến thế chấp ngân hàng, nguy sơ bị siết nợ, dù sau đó Thanh Hóa đã sửa quyết định, nhưng ai phải chịu trách nhiệm cho điều này?

Liên quan đến vụ việc UBND Tỉnh Thanh Hóa ra quyết định sai, trường trung cấp Văn Hiến khốn đốn, Kiến Thức tiếp tục làm rõ vấn đề cá nhân, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trước Quyết định số 1868/QĐ-UBND do Phó chủ tịch tỉnh Vương Văn Việt ký "sai", sau đó phải sửa đổi. 

Trước câu hỏi: Đơn vị nào đã tham mưu để UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định số 1868/QĐ-UBND do ông Vương Văn Việt ký, sau đó dựa vào quyết định này, ông Nguyễn Đức Tâm mang trường đi cắm ngân hàng, dẫn đến việc lùm xùm như hiện tại?.
Nguyên Phó Chủ tịch Vương Văn Việt  phải chịu trách nhiệm
Nói về trách nhiệm của người ký Quyết định 1868, luật sư Bùi Khắc Toản, Giám đốc Công ty Luật TNHH 4.1 và Cộng sự, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết:
UBND tinh Thanh Hoa ra quyet dinh sai: Ai chiu trach nhiem?
 Trung cấp Văn Hiến vẫn không thể gượng dậy dù tỉnh Thanh Hóa đã sửa quyết định số 1868 

Ngày 18/6/2009, UBND tỉnh ra Quyết định số 1868/QĐ-UB đổi tên trường từ “trường trung cấp nghề tư thục Văn hiến ” thành “trường trung cấp Văn Hiến”, là  đơn vị ngoài công lập,  thuộc Công ty cổ phần Minh Tân”.

Trước đó, ngày 14/12/2007, ông Vương văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 3911/QĐ-UBND về việc công nhận HĐQT và Ban giám hiệu trường trung cấp nghề tư thục Văn hiến.

Tại Quyết định số 3139/QĐ-UBND nêu: “trường TC nghề tư thục Văn Hiến có tư cách pháp nhân có con dấu và tài khoản riêng,hoạt động theo điều lệ Trường trung cấp nghề và quy định của pháp luật.”

Đồng thời, ngày 04/12/2013, tại CV 9847 về việc tham mưu  giải quyết đơn của cán bộ giáo viên trường Trung cấp Y-Dược Văn Hiến, nội dung nêu: "trường Trung cấp Y-Dược Văn Hiến và tổng Công ty Minh Tân là 2 đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu, và tài khoản riêng, hoàn toàn độc lập”.

Như vậy, tại 3 thời điểm ban hành văn bản đều do ông Vương Văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký liên quan đến tư cách pháp nhân trường Văn Hiến đều hết sức mâu thuẫn.

Trường trung cấp nghề tư thục Văn hiến được thành lập ngày 18/10/2007. Trường Văn Hiến là Cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, y tế. Theo đó Giao đất cho Trường Văn Hiến là đúng đối tượng, mục đích  sử dụng.

Tuy nhiên, QĐ số 3674/QĐ-UBND ngày 18/10/2008 của UBND tỉnh Thanh Hóa lại giao đất có thu tiền sử dụng cho công ty cổ phần Minh Tân.

Phải chăng UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1868/QĐ-UB là bình phong để che đậy quyết định giao đất không đúng đối tượng sử dụng đất cho một doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giao đất được miễn nộp tiền đất?

Hệ lụy của việc ban hành Quyết định số1868/QĐ-UB, ngày 18/6/2009 Chủ tịch UBND tỉnh tại thời điểm trường Văn Hiến đã đi vào hoạt động có thu, việc ban hành Quyết định này đã tạo cơ hội cho hành vi thôn tính, chiếm đoạt trường của ông Nguyễn Đức Tâm, vô hiệu hóa BQT, chiếm đoạt quyền lợi của các cổ đông. Ngoài ra còn tạo cơ hội chiếm quyền vay ưu đãi Ngân hàng phát triển Việt Nam, giải ngân sang công ty khác.

Đối với những cá nhân hay cơ quan tham mưu để ông Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa  ra Quyết định 1868, luật sư Toản khẳng định: Có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, trong trường hợp gây hậu quả thiệt hại cho tổ chức, cá nhân có thể phải bồi thường theo quy định Luật bồi thường nhà nước, trong trường hợp cố tình ban hành VBQPPL sai trái phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, ông Phó chủ tịch tỉnh Vương Văn Việt sẽ là người chịu trách nhiệm về các quyết định do mình ký. Được biết, hiện giờ ông Việt đã nghỉ hưu.

Sở Giáo dục Thanh Hoá vẫn ngang ngược... trả lời thiếu trách nhiệm?

Đem nội dung này trao đổi với Đại diện Sở Giáo dục Thanh Hóa (cơ quan trực tiếp thực hiện các tờ trình về việc chuyển đổi tên trường Trung cấp Văn Hiến), phóng viên nhận được câu trả lời: “Sở Giáo dục không những đúng, mà còn rất đúng trong quy trình làm việc liên quan đến trường Trung cấp Văn Hiến”.

Tuy nhiên, câu hỏi tại sao một trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục như Trung cấp Văn Hiến lại “thuộc” vào một công ty là Cổ phần Minh Tân, thì đại diện Sở Giáo dục trả lời: “Cái chữ “thuộc” này chẳng nói lên được điều gì, chẳng ai quy định “thuộc” là như thế nào, mà “không thuộc” là như thế nào!”

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng câu trả lời trên của Đại diện Sở Giáo dục Thanh Hoá là thiếu trách nhiệm?!
Ngân hàng phát triển Thanh Hoá giờ "đổ thừa" bị vạ lây, là nạn nhân

Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánhThanh Hóa đã dựa vào câu “trường trung cấp Văn Hiến là đơn vị ngoài công lập thuộc công ty cổ phần Minh Tân” trong văn bản trái luật đã bị hủy để đồng ý cho vay và sau đó "siết nợ" trường trung cấp Văn Hiến?

Cùng với sự ra đời của Quyết định 1868 ngày 18/6/2009, chưa được 1 tuần sau, đến ngày 24/6/2009, lấy tư cách Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Minh Tân, ông Nguyễn Đức Tâm đã ký Hợp đồng tín dụng đầu tư số 09/2009/HĐTDĐT-NHPT với chi nhánh Ngân hàng phát triển Thanh Hóa dưới hình thức thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, thế chấp luôn cả quyền sử dụng đất ở trường Văn Hiến (thuộc đối tượng được giao theo quy định tại Nghị định 53/NĐ-CP).

Ngày 25/10/2018 trong buổi làm việc với Kiến Thức, ông Phương Ngọc Hà – Giám đốc Ngân hàng Phát triển chi nhánh Thanh Hóa khẳng định: “Trường Trung cấp Văn Hiến là của ông Tâm, cả tỉnh này đều biết thế. Còn lại vài sai sót ở thủ tục hành chính, văn bản thì không đáng nhắc tới.

Chúng tôi cho vay là đúng quy định pháp luật, cho công ty Minh Tân vay là để đầu tư nhà trường, để hình thành nên trường, tài sản. Cho vay, có hợp đồng tín dụng, khối lượng giải ngân. Ở đây, có thể về mặt hành chính, thì nhà trường phải trả nợ, chuyển tiền phải trả nợ. Tất nhiên, việc trả nợ là công ty Minh Tân trả nợ."

Ông Hà cho rằng ngân hàng cũng là nạn nhân: "Chúng tôi bị vạ lây, đùng một cái thì trường dừng hoạt động. Trước tiên, xét thấy bên kia vi phạm hợp đồng tín dụng, vi phạm tài sản thế chấp, chúng tôi kiện ra tòa kiện công ty Minh Tân không thực hiện hợp đồng tín dụng, yêu cầu kê biên tài sản đã thế chấp để bán đấu giá trả nợ theo quy định pháp luật.  Còn lại, việc đúng sai, tòa án sẽ giải quyết...”.

UBND tinh Thanh Hoa ra quyet dinh sai: Ai chiu trach nhiem?-Hinh-2
Hợp đồng  tín dụng đầu tư số 09/2009.

Pháp luật quy định không được dùng tài sản của người khác để thế chấp vay khi chưa được sự đồng ý. Xem xét kỹ hồ sơ, có thể thấy ông Nguyễn Đức Tâm đã dùng tài sản hình thành trong tương lai (đầu tư xây dựng trường Văn Hiến), tức không phải tài sản của riêng mình để thế chấp vay vốn Ngân hàng Phát triển chi nhánh Thanh Hóa. Mặt khác, ông Tâm đã dùng biên bản họp HĐQT Công ty cổ phần Minh Tân để đề nghị vay vốn (theo tài liệu Minh Tân nộp cho tòa án), trong khi không có bất cứ biên bản cuộc họp nào của HĐQT trường Văn Hiến.

Số tiền vay ưu đãi của ngân hàng, không về tới trung cấp Văn Hiến mà giải ngân thẳng đến một công ty khác là Công ty TNHH Tài Lộc.

Đối với Ngân hàng Phát triển chi nhánh Thanh Hóa, liệu có dấu hiệu vi phạm khi chuyển tiền cho vay không đúng đối tượng được ưu tiên vay vốn ưu đãi của Chính phủ (Công ty TNHH Tài Lộc), ký hợp đồng thế chấp tài sản, không xác minh kiểm tra thực tế tài sản thế chấp, dẫn đến việc hiện tại vẫn chưa thể thu hồi số tiền đã cho vay?.

Ở thời điểm ông Nguyễn Đức Tâm ký hợp đồng số 09/2009/HĐTDĐT-NHPT,ông Đàm Lê Đồng, Vũ Ngọc Kha cùng các cán bộ trong trường  đều không hề hay biết. HĐQT trường không có chủ trương, nghị quyết đề xuất vốn ngân hàng để đầu tư vào việc xây dựng trường Văn Hiến.

Mặt khác, tại thời điểm vay vốn, trường trung cấp Văn Hiến đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động có thu.

UBND tinh Thanh Hoa ra quyet dinh sai: Ai chiu trach nhiem?-Hinh-3
 Vì Quyết định sai của tỉnh Thanh Hóa mà trường bị Chủ tịch HĐQT mang đi vay ngân hàng.

Cũng chính như vậy, nên mãi cho đến đầu năm 2018 khi ông Nguyễn Đức Tâm  ra tù, ngân hàng lại tiếp tục đòi Công ty Minh Tân hoàn trả số tiền đã cho vay.

Trong năm 2018, công ty Minh Tân với đại diện pháp luật  là ông Nguyễn Đức Tâm phát đơn kiện ông Đàm Lê Đồng và Vũ Ngọc Kha đòi lại trường trung cấp Văn Hiến, với lý do đó là tài sản của riêng Minh Tân (dựa theo quyết định sai 1868 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định sửa đổi).

Ông Đồng và ông Kha cũng ngay lập tức gửi đơn yêu cầu phản tố, yêu cầu ông Tâm thanh toán toàn bộ số tiền đang chiếm giữ cho các cổ đông của nhà trường. Đồng thời, các cổ đông cũng tố cáo ông Tâm lên Viện kiểm sát tỉnh và các cơ quan chức năng khác trong tỉnh Thanh Hóa về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ông Vũ Ngọc Kha cho biết, đến giờ vẫn chưa thấy có kết quả.

Câu hỏi đặt ra là số tiền thu chi ngoài sổ sách từ doanh thu của nhà trường(17 tỷ, ông Tâm đã đi tù vì tội trốn thuế),các thành viên còn lại của HĐQT trường Văn Hiến sẽ có được quyền lợi như thế nào?

Tòa án tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nhận được yêu cầu độc lập của Ngân hàng phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa, buộc Công ty Minh Tân phải trả tổng nợ gốc và nợ lãi tạm tính đến ngày 31/3/2018 là hơn 7 tỷ.

Đồng thời kê biên đối với tài sản thế chấp là Trường trung cấp nghề tư thục Văn Hiến theo hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, để đảm bảo thi hành án.

Hiện tại, trường trung cấp Văn Hiến không thể gượng dậy dù tỉnh Thanh Hóa đã sửa quyết định số 1868/QĐ-UBND. Vẫn chưa đơn vị nào chịu trách nhiệm, và trường không biết ngày nào mới có thể hoạt động trở lại.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ trả lời thế nào về việc chịu trách nhiệm với việc ban hành quyết định "sai" của mình? 

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Minh Hải

>> xem thêm

Bình luận(0)