Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020, các trường ĐH cũng đã tiếp tục điều chỉnh và công bố kế hoạch tuyển sinh của mình. Trong đó, nhiều trường quyết định hủy kỳ thi riêng và tăng chỉ tiêu cho xét tuyển bằng học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Rộng cửa vào đại học
Nếu năm 2019, phương thức xét tuyển học bạ chủ yếu được sử dụng tại các trường ngoài công lập hoặc trường công ở top thấp thì năm 2020, khi kỳ thi THPT thay đổi, xét học bạ trở thành phương thức chính ở tất cả trường ĐH.
Từ tháng 3, để thu hút và giữ chân thí sinh (TS), nhiều trường ĐH đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ, mở rộng 3-5 học kỳ ở bậc THPT. Đến giữa tháng 5, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển những đợt đầu tiên. Nhiều học sinh chưa học xong học kỳ 2 của lớp 12, kỳ thi tốt nghiệp cũng còn cách gần hai tháng nhưng đã nắm chắc nhiều suất vào ĐH.
ĐH Văn Lang là trường đầu tiên tại TP.HCM công bố mức điểm chuẩn ĐH chính quy theo phương thức xét học bạ THPT cho 32 ngành đợt 1, theo xét điểm tổng kết môn lớp 11 và điểm tổng kết môn học kỳ 1 lớp 12.
Theo đó, ngành có điểm chuẩn học bạ cao nhất là dược học với 24 điểm, các ngành còn lại dao động 18-19,5 điểm.
Trường cũng lưu ý những TS này chỉ cần chờ hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và được công nhận tốt nghiệp THPT để chính thức nhập học vào trường. Trường xét tiếp cho đợt 2 từ ngày 2 đến 30-5.
Tương tự, đến ngày 15-5, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng chốt đợt nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đầu tiên của trường để chuẩn bị công bố điểm chuẩn và tiếp tục nhận xét đợt 2 cho cả 47 ngành học.
Để thuận lợi cho TS, trường mở đến tám đợt xét học bạ, chỉ cần các em có tổng điểm trung bình ba học kỳ gồm học kỳ 1 lớp 12 và hai học kỳ của lớp 11 đạt từ 18 điểm trở lên là có thể nộp hồ sơ.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay cũng dành đến 40% tổng chỉ tiêu cho xét tuyển bằng học bạ, với điều kiện chỉ cần tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình cả năm của ba môn trong tổ hợp môn xét tuyển lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên.
Đặc biệt, ngoài quy định tuyển thẳng của Bộ GD&ĐT, trường còn ưu tiên tuyển thẳng cho những em có học lực xếp loại giỏi các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12.
|
Thí sinh tìm hiểu và nộp hồ sơ xét tuyển học bạ năm 2020 tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Ảnh: NT |
Hủy thi riêng, liên tục điều chỉnh cách xét tuyển
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020 với nhiều quy định mới, các trường ĐH lại tiếp tục điều chỉnh phương án tuyển sinh để thuận lợi cho TS hơn.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng vừa thông báo điều chỉnh lần hai về đề án tuyển sinh năm nay. Sau khi cân nhắc, trường quyết định tăng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT lên thành 50%, thay vì 30% chỉ tiêu như trước đó.
Đồng thời, trường sử dụng đến bốn phương thức xét tuyển, tăng thêm một phương thức so với trước đó, gồm: tuyển thẳng, xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp tổ chức thi các môn năng khiếu.
Sau khi các trường ĐH tại phía Bắc như ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương... hủy kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, một số trường ĐH tại TP.HCM cũng thông báo sẽ không tổ chức thi riêng như kế hoạch trước đó.
Cụ thể như Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã quyết định sẽ không tổ chức thi đánh giá năng lực như dự kiến trước đó. Thay vào đó, trường sẽ tuyển 6.570 chỉ tiêu trình độ ĐH theo ba phương thức, gồm xét kết quả học tập bậc THPT (lớp 10, 11 và 12), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và xét tuyển thẳng.
Tương tự, sau hai lần điều chỉnh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng chính thức quyết định không tổ chức kỳ thi riêng như các năm trước. Và trường sẽ dành đến 65% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Số còn lại là xét tuyển học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thí sinh không xác nhận nhập học sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển
Đối với xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT: TS nộp phiếu đăng ký xét tuyển cùng với hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Sở GD&ĐT.
TS được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Đối với các phương thức khác như xét học bạ, thi đánh giá năng lực, thi kết hợp xét tuyển...: TS trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào trường trong thời hạn do trường đưa ra. Quá thời hạn này, TS không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển TS khác. TS đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.
(Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020)