Theo Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/1/2021, dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 đại biểu. Cũng theo Nghị quyết, số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 -50 đại biểu, tương đương từ 5 - 10%. Nếu tính trên tổng số 500 đại biểu được bầu có khoảng từ 25 đến 50 đại biểu; nếu đủ tối đa 10% là 50 đại biểu tự ứng cử.tham gia Quốc hội.
|
Ảnh minh họa. |
Tiêu chuẩn, điều kiện người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội XV
Dư luận quan tâm, người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội XV cần những điều kiện gì?
Theo hướng dẫn 36 -HD/BTCTW về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định tại điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội.
Cụ thể, trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Ngoài ra theo quy định, người ứng cử Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Theo Điều 35 Luật Bầu cử, công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử. Với việc bầu cử đại biểu Quốc hội XV và HĐND 2021 - 2026, chậm nhất là vào 17h00 ngày 14/3/2021, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử.
Hồ sơ ứng cử bao gồm: a) Đơn ứng cử; b) Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; c) Tiểu sử tóm tắt; d) Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm; đ) Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn thi hành Điều này.
Quy trình dành cho người tự ứng cử
Trao đổi với báo chí mới đây về quy trình dành cho những người tự ứng cử, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Quy trình tự ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện theo các quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tất cả mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử.
Như vậy, các đại biểu tự ứng cử gửi đơn xin ứng cử và hồ sơ đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên. Trên cơ sở đó, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ ứng cử của người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thành phố để đưa vào danh sách hiệp thương.
Cán bộ, công nhân viên chức có nguyện vọng tự ứng cử nhưng đang công tác trong bộ máy Nhà nước thì theo quy định phải được cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận đồng ý cho cá nhân đó tự ứng cử thì cá nhân mới tiếp tục nộp hồ sơ. Với những người không công tác trong bộ máy Nhà nước, có nguyện vọng tự ứng cử thì thực hiện căn cứ theo các quy định hướng dẫn về bầu cử.
Nói về việc thực hiện thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử? ông Hầu A Lềnh cho biết: việc thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử được thực hiện đồng thời với việc thẩm định hồ sơ của các cá nhân được các cơ quan, đơn vị giới thiệu. Quy trình thẩm định như nhau khi xem xét về các tiêu chuẩn, lịch sử chính trị, những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có, ý kiến phản ánh của nhân dân, những vấn đề cần phải làm rõ, xác minh...
“Tất cả các khóa bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ trước đến nay không có cản trở vì ứng cử là quyền của công dân. Như vậy có thể nói quyền tự ứng cử không bị hạn chế, người ứng cử đều có quyền lợi như nhau” – ông Lềnh nói.
Ông Hầu A Lềnh cho biết thêm, theo Nghị quyết số 1185/NQ -UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 -50 đại biểu, tương đương từ 5 - 10%. Bên cạnh đó, có các cơ cấu kết hợp khác như cơ cấu nữ, cơ cấu tuổi trẻ, cơ cấu cán bộ nghiên cứu khoa học, trí thức... Nếu tính trên tổng số 500 đại biểu được bầu thì có khoảng từ 25 đến 50 đại biểu; nếu đủ tối đa 10% là 50 đại biểu.
Tuy vậy, hiện nay, sau hiệp thương lần thứ nhất chưa đạt được con số 10% mà mới được hơn 7%. Nhưng đây mới là điều chỉnh lần một, sau hội nghị hiệp thương lần hai có thể bổ sung, điều chỉnh thêm, song tỷ lệ phấn đấu là từ 5 - 10% theo dự kiến. Như vậy, vẫn “rộng cửa” cho người tự ứng cử tham gia Quốc hội.
Nói thêm về số lượng đại biểu tự ứng cử đến hiện tại, ông Hầu A Lềnh cho hay, hiện nay quy trình vẫn đang ở bước giới thiệu của các cơ quan đơn vị. Những người tự ứng cử mới dự kiến làm hồ sơ. 5 tỉnh, thành dự kiến có người tự ứng cử là ở những địa phương đó đã có người đến xin hồ sơ để làm thủ tục nhưng chưa nộp. Khi người tự ứng cử nộp hồ sơ thì mới xác định được chính xác số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội là bao nhiêu.
5 trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội
Tại điều 37, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân quy định rõ về những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân:
1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Người đang bị khởi tố bị can.
3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều điểm mới trong công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp